Do ảnh hưởng của bão số 3 kết hợp với mưa lớn, nước lũ dâng nhanh khiến nhiều diện tích lúa, cây màu và diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân huyện Kiến Xương bị ảnh hưởng, thiệt hại. Người dân ở các địa phương trong huyện vẫn đang tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Các lực lượng tham gia khắc phục sự cố tại cống xả trạm bơm Múc, xã Minh Tân chiều ngày 10/9.
Ông Trần Quốc Hội, Chủ tịch UBND xã Trà Giang cho biết: Những ngày qua, hầu như tất cả các hộ có trang trại, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã đều chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, di chuyển lợn, gà vào trong đê chính và bảo vệ ao nuôi thủy sản. Đặc biệt đối với 28 hộ ngoài vùng đê bao ngay sau có các thông tin nước lũ các sông dâng cao, các chủ hộ chăn nuôi lớn đã cơi bờ, quây lưới cao thêm từ 1,5 – 2m để đề phòng tránh lũ. Ngoài ra xã thường xuyên liên tục kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, nhất là những chỗ xung yếu để có giải pháp ứng cứu kịp thời.
11 hộ dân tại cống Cù Là, xã Vũ Hòa đã di dời vào nơi an toàn.
Ông Trần Ngọc Hoàng, thôn Trực Tầm cho biết: Nhà tôi có 4 ao nuôi cá, ao to nhất hơn 1 mẫu, 3 ao còn lại từ 2 – 5 sào. Gần 14 năm nuôi cá chưa bao giờ thấy lo như lần này vì toàn bộ 20 tấn cá rô đầu vuông vẫn nằm dưới ao, đã đến lứa bán nhưng chưa bán được do thời gian qua giá xuống thấp. Trong khi đó tôi đã nuôi hơn một năm nay, chi phí vào nguồn thức ăn tới hơn 1 tỷ đồng. Sợ mưa lũ tiếp tục dâng cao nên từ ngày 10/9 tôi đã mua lưới về quây cao lên gần 2m và huy động hàng chục người đến làm giúp để nếu có bất chắc gì xảy ra thì lượng cá thất thoát sẽ giảm đi.
Một trong những người nuôi cá lồng trên sông tại xã xã Vũ Bình, ông Phan Tiến Hùng than thở: Trận mưa lũ của cơn bão số 3 lần này đúng là lịch sử chưa từng có, thực sự đã đe dọa tới tài sản của người chăn nuôi lớn như tôi. Để giảm thiểu thiệt hại gây ra trước khi bão đổ bộ tôi đã chằng chống, gia cố thêm toàn bộ hơn 10 lồng bè trên sông nhằm bảo đảm an toàn cho trên 50 tấn cá giòn trong lồng. Do đó hiện tại vẫn bình thường nhưng nếu nước tiếp tục dâng cao kèm gió mạnh thì khó ai nói trước được điều gì.
Cũng do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số nhà màng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Kiến Xương đã bị thiệt hại. HTX Thủy canh nông xanh Garden xã Hòa Bình mặc dù trước bão số 3 đã tiến hành gia cố, chằng buộc bằng dây cáp và tháo bạt mái để giảm thiểu thiệt hại nhưng sức gió giật mạnh nên đã khiến toàn bộ hệ thống nhà màng gãy đổ.
Ông Tạ Hữu Huấn, Giám đốc HTX cho biết: Mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm đang trên đà phát triển, thị trường ổn định thì cơn bão số 3 ập về làm nguội lạnh toàn bộ hy vọng, bao nhiêu công sức đầu tư, tâm huyết dồn vào mô hình đến giờ chỉ còn là đống sắt vụn hỗn độn. Tuy nhiên tôi sẽ không nản trí, dự kiến sau khi hết mưa lũ, HTX sẽ làm lại toàn bộ hệ thống nhà màng, bắt đầu trồng lại để cung cấp cho thị trường những sản phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe.
Do tình hình mưa lũ lên cao, mực nước trong đồng của các xã, thị trấn cũng ngày càng lớn, có nhiều diện tích lúa và cây màu ngập sâu trong nước. Những ngày qua tất cả các trạm bơm tiêu trên địa bàn huyện đã hoạt động hết công suất để tập trung tiêu nước một cách nhanh nhất, bảo vệ lúa và cây màu.
Ông Trần Hoài Nam, Cụm trưởng cụm Tây Sơn, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Kiến Xương cho biết: Trạm luôn bố trí 100% công nhân trực vận hành để thực hiện các nhiệm vụ đồng thời vận hành bơm tiêu liên tục 8/8 tổ máy có tổng công suất 32.000m3/giờ tiêu thoát nước tối đa, bảo đảm an toàn cho 600ha sản xuất nông nghiệp của xã Quốc Tuấn và An Bình.
Công nhân vận hành hệ thống tại trạm bơm An Quốc, xã Quốc Tuấn.
Theo thống kê của huyện Kiến Xương, do ảnh hưởng của mưa bão, tính đến chiều ngày 11/9, toàn huyện có khoảng 6.500ha lúa mùa bị ngập đòng, khoảng 1.000ha lúa bị thiệt hại, thiệt hại 360ha cây rau màu, gần 2.500 gia cầm bị chết, khoảng 130ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, một số đoạn bờ bao đê, đê bối bị sạt, lún, tràn bờ, kênh mương bị đổ.
Huyện Kiến Xương đã tập trung cho việc di chuyển người và tài sản về nơi an toàn. Chuẩn bị tốt vật tư, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng huy động cho các điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; ngoài ra tiếp tục bố trí cán bộ thường xuyên kiểm tra các công trình đê điều, các trọng điểm xung yếu, chủ động xây dựng phương án chi tiết, đặc biệt là công tác di dân, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đến nay tất cả người dân sống ở ngoài đê bối, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè đều được di tản tới nơi an toàn. Huyện cũng chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân, nhanh chóng ổn định, khôi phục sản xuất sau lũ; hỗ trợ lẫn nhau trên tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách.
Thu Thủy
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/207728/kien-xuong-chu-dong-phong-chong-lu-lut-san-sang-khoi-phuc-san-xuat-sau-bao