Chiều ngày 28/9, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lớn tại 2 huyện Thái Thụy và Đông Hưng. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lớn tại huyện Thái Thụy.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, từ ngày 25/9 đến 15 giờ ngày 28/9 đã có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa trung bình phổ biến khoảng 294mm, nơi cao như: thị trấn Đông Hưng 449,5mm, xã Đông Các (Đông Hưng) 369,2mm; xã Tân Lập (Vũ Thư) 360,3mm, xã Thái Phúc (Thái Thụy) 383,4mm. Dự báo tình hình mưa lớn còn diễn biến phức tạp, từ ngày 29/9 do kỳ triều kém nên việc tiêu tự chảy sẽ rất khó khăn. Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo 2 công ty khai thác công trình thuỷ lợi Bắc, Nam Thái Bình và các địa phương mở các cống tiêu để hạ thấp tối đa mực nước trên các sông, trục, tiêu nước đệm trước khi mưa lớn xảy ra. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn, mưa liên tục kéo dài đã ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Tính đến 16 giờ ngày 28/9, toàn tỉnh có khoảng 4.266 ha lúa bị nghiêng, đổ và 3.610ha rau màu bị ảnh hưởng, tập trung tại các huyện: Thái Thụy, Vũ Thư, Hưng Hà, Kiến Xương.
Người dân xã Thụy Bình (Thái Thụy) buộc dựng diện tích lúa đổ sau mưa lớn.
Kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả mưa lớn tại xã Thụy Thanh (Thái Thụy), đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành thực hiện nghiêm Công văn số 76/BCH-PCTT ngày 25/9/2023 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; ngành nông nghiệp và UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của mưa lớn; thông báo cho các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Ngành nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị quản lý hệ thống thủy nông cử cán bộ thường trực 24/24 theo dõi mực nước, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, giải phóng dòng chảy, triệt để tiêu nước trong hệ thống; chủ động kích hoạt các trạm bơm tiêu qua để khi có úng cục bộ để tiêu nước cho lúa mùa, cây màu vụ đông và các khu vực trũng, thấp.
Song song với đó, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp khẩn trương khơi thông dòng chảy, tháo cạn nước trên mặt ruộng phục vụ bảo vệ lúa, cây màu vụ đông đã trồng; huy động lực lượng hỗ trợ như cán bộ, chiến sĩ công an, quân sự, biên phòng và đoàn viên thanh niên hỗ trợ nông dân cac địa phương khắc phục hậu quả sau mưa lớn gây ra. Các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá lại diện tích cây vụ đông đã trồng, từ đó có kế hoạch chủ động phương án chăm sóc, bảo vệ; đồng thời tuyên truyền tới người dân các giải pháp kỹ thuật để phục hồi sản xuất cũng như khắc phục hậu quả với phương châm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra; xây dựng kế hoạch phát động phong trào sản xuất cây vụ đông, nhằm lấy năng suất, sản lượng, hiệu quả của cây vụ đông bù lại diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng do mưa lớn.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh kiểm tra công tác tiêu úng tại trạm bơm Hậu Thượng, xã Hồng Bạch (Đông Hưng).
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh ghi nhận sự chủ động trong công tác tiêu úng tại trạm bơm Hậu Thượng, xã Hồng Bạch (Đông Hưng).
Công nhân trạm bơm Hậu Thượng, xã Hồng Bạch (Đông Hưng) vận hành hệ thống bơm tiêu úng.
Kiểm tra công tác tiêu úng tại trạm bơm Hậu Thượng, xã Hồng Bạch (Đông Hưng), đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự chủ động trong công tác tiêu úng của trạm và yêu cầu ngành nông nghiệp cần chỉ đạo 2 công ty khai thác công trình thuỷ lợi Bắc, Nam Thái Bình huy động nhân lực, phương tiện bố trí cán bộ trực 24/24h để vận hành hệ thống trạm bơm; chủ động các phương án tiêu nước triệt để, nhanh chóng.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành của tỉnh, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, khôi phục sản xuất nông nghiệp, bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân.
Nguyễn Thơi – Trần Tuấn