Tối 7/6, tại Điện Kiến Trung – Đại nội Huế, Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, diễn ra từ ngày 7 đến 12/6.
Đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc
Đọc diễn văn khai mạc lễ hội, đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Festival Huế – một lễ hội văn hóa, nghệ thuật quốc tế được khẳng định qua 24 năm với 11 kỳ tổ chức, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam và giao lưu văn hóa thế giới, quảng bá điểm đến Huế – kinh đô xưa, trải nghiệm mới, hấp dẫn nhà đầu tư và du khách.
Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 diễn ra từ ngày 7/6 đến ngày 12/6/2024, quy tụ gần 30 đoàn nghệ thuật đến từ Cộng hòa Pháp, Vương quốc Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ đem đến cho khán giả hàng chục chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc của nhiều vùng văn hóa các nước trên thế giới. Các chương trình nghệ thuật sẽ hòa quyện trong không gian cổ kính của một Cố đô văn hiến với 08 di sản được UNESCO vinh danh.
Kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được và tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo của lịch sử, văn hóa, di sản, Festival Huế 2024 sẽ tiếp tục khẳng định và quyết tâm xây dựng Huế thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa – du lịch đặc sắc của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với mục tiêu “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế”.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Khát vọng rạng rỡ ngàn sau” mang đậm nét đặc trưng tiêu biểu văn hóa truyền thống ở Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh: “Tiếp nối thành công của Festival Huế trước đây, Tuần lễ Festival Huế năm nay sẽ tiếp tục lan tỏa tính cộng đồng. Bên cạnh các chương trình tại Đại Nội Huế, Ban Tổ chức thiết kế nhiều chương trình mở, lễ hội đường phố, các sân khấu cộng đồng để các đoàn nghệ thuật quốc tế biểu diễn phục vụ người dân; đồng thời tại một số địa phương trong tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật để người dân và du khách không chỉ đắm mình trong không gian lễ hội, mà còn được hòa mình vào với âm thanh, ánh sáng của những chương trình nghệ thuật đặc sắc”
Nơi hội tụ và giao lưu văn hoá
Phát biểu tại lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung ghi nhận những nỗ lực và thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đạt được trong những năm qua. Những tiềm năng, lợi thế riêng có của Thừa Thiên Huế ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Những giá trị, di sản văn hoá và con người ngày một được gìn giữ và quảng bá một cách phong phú, đặc biệt là 8 di sản thế giới đã được công nhận.
Nhiều công trình văn hoá, di sản, nhiều lễ hội văn hoá đặc sắc được trùng tu, phục dựng, tạo nên những nét văn hoá hấp dẫn mới đối với cả du khách trong nước và quốc tế. Các hình thức biểu đạt văn hoá mới và các công nghệ tiên tiến, hiện đại đã được phát huy. Thừa Thiên Huế do đó ngày càng thể hiện là trung tâm văn hóa – du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung phát biểu tại lễ khai mạc.
Đồng chí Lê Hoài Trung cho biết: Trải qua 24 năm kể từ lần đầu được tổ chức, Festival Huế đã có những bước tiến dài, thể hiện ngày càng đẹp, thấm đượm những đặc trưng văn hóa sâu lắng của dân tộc, sự lãng mạn, duyên dáng, trầm sâu của Huế, và mang thêm nhiều nét hiện đại, trong đó có việc kết hợp được những công nghệ hàng đầu trong sản xuất, sáng tạo văn hoá.
Festival Huế cũng ngày càng tính quốc tế, là nơi nhiều dân tộc trên thế giới trình diễn những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mình, giúp thúc đẩy hợp tác, hữu nghị, cùng xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng trên nền tảng văn hóa đa sắc màu. Festival Huế nhờ vậy vừa góp phần vào thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội, vừa góp phần thể hiện sinh động đất nước Việt Nam có truyền thống văn hoá, trọng văn hoá và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Đồng chí Lê Hoài Trung cho biết, thực hiện Nghị quyết 54 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Nghị quyết cũng xác định “tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á”. Kết quả đạt được sẽ có ý nghĩa không chỉ với Thừa Thiên Huế mà với cả nước.
Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước. Nàng thơ xứ Huế là sự kết nối giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại.
Đồng chí Lê Hoài Trung nhấn mạnh: “Thực hiện Nghị quyết quan trọng nêu trên đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các ban, bộ, ngành, sự ủng hộ tích cực của các địa phương khác, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Theo đó, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hoá Huế, tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, để đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Trong nỗ lực chung đó, mong rằng Festival Huế sẽ vươn lên thành diễn đàn khu vực của hội tụ và giao lưu văn hoá”.
Sau nghi thức khai mạc, đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Khát vọng rạng rỡ ngàn sau” với sự tham gia của hơn 300 diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian tại Thừa Thiên Huế, đặc biệt là nghệ thuật cung đình Huế và đặc trưng tiêu biểu của các vùng văn hóa ở Việt Nam; các chương trình nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hóa các châu lục… được khắc họa bằng ngôn ngữ nghệ thuật gắn với thời trang áo dài truyền thống, kết hợp với nghệ thuật trình chiếu 3D mapping.
Sân khấu được thiết kế không cầu kỳ, chi tiết nhưng vẫn hoành tráng, rực rỡ khi được cộng hưởng, tôn vinh vẻ đẹp uy nghi của Điện Kiến Trung – ngôi điện độc đáo tại Hoàng Thành Huế với vẻ đẹp từ kiến trúc, mỹ thuật đến cảnh quan của Thừa Thiên Huế.
Chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, mở ra một chuỗi hoạt động phong phú, đa dạng diễn ra liên tục trong 6 ngày đêm, hứa hẹn mang đến nhiều cảm xúc mới lạ, hấp dẫn để đón chờ du khách, khán giả gần xa khám phá và trải nghiệm.
Theo nhandan.vn