Nhằm mở rộng không gian cho doanh nghiệp phát triển, vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Thái Bình với hơn 40 doanh nghiệp Bangladesh. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư dựa vào những thế mạnh và dư địa phát triển của nhau.
Lãnh đạo và doanh nghiệp của Thái Bình và Bangladesh cam kết thúc đẩy đầu tư, thương mại song phương phát triển trong thời gian tới.
Thế mạnh của mỗi bên
Thái Bình đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất khu vực phía Bắc bởi tỉnh có Khu kinh tế với quỹ đất công nghiệp đủ lớn đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà đầu tư; nằm ở vị trí địa lý thuận lợi trong tam giác tăng trưởng kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Tỉnh còn có nguồn nhân lực dồi dào, trình độ tay nghề cao, cơ chế hỗ trợ khuyến khích đầu tư hấp dẫn. Các cấp chính quyền trong tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong suốt quá trình nghiên cứu đầu tư, triển khai dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Thái Bình có 10 khu công nghiệp, 49 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 3.000ha đã được giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng để các nhà đầu tư đến hoạt động.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 165 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,2 tỷ USD. Riêng Khu kinh tế có 98 dự án với tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, chiếm 87% vốn FDI toàn tỉnh. Những con số đó và xu hướng dòng chảy đầu tư vào tỉnh đã khẳng định sức hút đầu tư mạnh mẽ của Thái Bình, một địa bàn chiến lược cho các nhà đầu tư FDI muốn mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhận thấy những tiềm năng và lợi thế so sánh về môi trường đầu tư của Thái Bình, Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (DCCI) và hơn 40 doanh nghiệp Bangladesh đã lựa chọn Thái Bình là điểm đến đầu tiên trong chuyến xúc tiến thương mại, đầu tư tại Việt Nam vào đầu tháng 8/2024. Ông Md. Ashraf Ahmed, Chủ tịch DCCI cho biết: Không chỉ hấp dẫn trong đầu tư, Thái Bình có đội ngũ doanh nghiệp mạnh, sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng cao cũng là cơ hội để doanh nghiệp Bangladesh có thể hợp tác thương mại và học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất.
Bangladesh từ lâu được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng để đầu tư và gia tăng kim ngạch thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), Bangladesh có thế mạnh trong sản xuất dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, một số loại xơ sợi… Đây cũng là những mặt hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu cao trong thời gian qua. Với dân số hơn 168 triệu người, Bangladesh có nguồn lao động dồi dào, đồng thời nhu cầu tiêu dùng cao tạo ra thị trường có sức mua lớn và thương mại phát triển.
Khai thác dư địa để phát triển
Đánh giá về cơ hội hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp Thái Bình và Bangladesh, ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khẳng định: Bangladesh là thị trường lớn với dân số đông, sức mua lớn. Việc chiếm lĩnh được thị trường Bangladesh còn mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Thái Bình thâm nhập thị trường khu vực Nam Á và Trung Đông, bởi đây là cửa ngõ thông thương với khu vực giàu tiềm năng này. Hiện nay, kinh tế Bangladesh chủ yếu dựa vào ngành may mặc và lĩnh vực công nghệ, lấy mức chi phí nhân công thấp và sản lượng sản phẩm dồi dào làm sức mạnh cạnh tranh nên các doanh nghiệp Thái Bình có thể khai thác, hợp tác đầu tư cùng có lợi.
Thái Bình có nhiều sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng như gạo Niêu vàng, đồ uống Đại Việt, bánh kẹo Bảo Hưng, sợi dệt Damsan, sợi dệt Hương Sen Comfor, dệt may Thăng Long, sợi Trà Lý, sợi Dragon, nước khoáng Tiền Hải, pin năng lượng mặt trời AD GREEN, gốm sứ Long Hầu, Hảo Cảnh, gạch men Mikado… đã và đang được người tiêu dùng trong nước và quốc tế tin dùng, đánh giá cao. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Thái Bình sang Bangladesh đạt gần 50 triệu USD, riêng ngành sợi dệt đạt gần 30 triệu USD. Với mục tiêu mà Chính phủ và Bộ Công Thương hai nước Việt Nam – Bangladesh đang nỗ lực thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương, các doanh nghiệp Thái Bình có cơ hội nâng cao kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Bangladesh trong thời gian tới.
Theo chia sẻ của DCCI, Bangladesh có các quy chế đầu tư cạnh tranh và ấn tượng nhất ở khu vực Nam Á với các lợi ích tài chính và phi tài chính đa dạng, môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Mội số ưu đãi hấp dẫn mà doanh nghiệp FDI có thể nhận được đó là miễn thuế 100%, quyền sở hữu nước ngoài, kho ngoại quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bangladesh đã thiết lập các Hiệp định đầu tư song phương và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 35 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây cũng chính là điểm đến đầu tư đáng quan tâm của các doanh nghiệp Thái Bình nếu muốn mở rộng sản xuất, phát triển thị trường ra nước ngoài.
Ông Md. Lutfor Rahman, Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam Hiện nay, Bangladesh có 100 đặc khu kinh tế dành cho các nhà đầu tư và chúng tôi sẽ dành đặc quyền kinh tế cho nhà đầu tư của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Thái Bình sẽ được khuyến khích tận dụng lợi thế của khu vực đầu tư này để hợp tác hai bên cùng có lợi. Việt Nam và Bangladesh đã chứng kiến thương mại song phương năm 2022 đạt mốc 1,5 tỷ USD và chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy để sớm đạt 2 tỷ USD trong tương lai gần. Để hiện thực được mục tiêu đó, chúng tôi rất mong các doanh nghiệp Thái Bình tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Bangladesh trong thời gian tới. Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hiện nay, Bangladesh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại khu vực Nam Á và là thị trường mới, giàu tiềm năng với sức mua lớn. Việc đẩy mạnh hợp tác giao thương với Bangladesh sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hội nghị giao thương giữa Thái Bình và Bangladesh là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Thái Bình gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu, tư kinh doanh, kết nối giao thương với các doanh nghiệp Bangladesh, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển. Ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) Cả Việt Nam và Bangladesh đều có những đối tác thương mại, thị trường riêng để cho mỗi nước khai thác, phát triển. Cụ thể, hàng hóa vào Việt Nam mở ra nhiều cơ hội để vào thị trường ASEAN; hàng hóa vào Bangladesh có cơ hội thâm nhập thị trường Ấn Độ, Nam Á nhờ những ưu đãi FTA của mỗi nước đã ký với các đối tác. Doanh nghiệp Thái Bình có thể nghiên cứu xuất khẩu vào Bangladesh những sản phẩm chủ lực, thế mạnh như gạo, nông sản thực phẩm chế biến, da giày, xơ sợi, sữa, bánh kẹo, dầu ăn, nhóm cơ khí chế tạo như máy móc, thiết bị công nghiệp, nông cụ, phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, sắt thép… Ông Md. Ashraf Ahmed, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (DCCI) Doanh nghiệp Bangladesh mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh với Việt Nam trong đó có Thái Bình, tập trung vào 23 lĩnh vực khác nhau. Một số lĩnh vực ưu tiên hợp tác gồm chế biến nông sản và thực phẩm, tài chính, y tế, điện tử, may mặc, công nghệ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ, gốm sứ, vật liệu xây dựng, dược phẩm, các ngành hàng tiêu dùng nhanh, hậu cần, du lịch. DCCI hiện có 5.000 doanh nghiệp thành viên, chúng tôi sẽ là nhịp cầu kết nối các doanh nghiệp Thái Bình, Việt Nam với doanh nghiệp Bangladesh hợp tác đầu tư, kinh doanh hiệu quả trong thời gian tới. |
Khắc Duẩn
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/207025/ket-noi-giao-thuong-thai-binh-bangladesh-mo-ra-co-hoi-cho-cac-doanh-nghiep