Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, tích tụ ruộng đất đã trở thành xu thế tất yếu, hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp tỉnh Thái Bình. Thay vì nhiều canh đồng bị bỏ hoang, sản xuất kém hiệu quả, giờ đây những cánh đồng lớn được tập trung, tích tụ do đại điền làm chủ đã giúp nông dân làm giàu trên chính đồng đất quê hương với những cách nghĩ, cách làm mới, hiện đại và hiệu quả hơn.
Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp
Nhắc đến hộ đại điền ở Thái Bình phải kể đến chị Trần Thị Lanh (thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương). Chị cũng là một trong những người đầu tiên mạnh dạn tích tụ ruộng đất quy mô lớn ở tỉnh Thái Bình.
Chị Lanh chia sẻ, vốn là nông dân, gắn bó với ruộng đồng nên khi thấy những mảnh ruộng bị bỏ hoang lãng phí, chị đã nghĩ tới việc mượn, thuê lại để canh tác vừa có thêm thu nhập vừa tận dụng được hệ thống máy móc nông nghiệp của gia đình. Với quyết tâm “hồi sinh” những cánh đồng hoang, năm 2015 chị đã mượn và thuê lại của nông dân không có nhu cầu canh tác để cấy lúa với tổng diện tích tích tụ 3 ha.
Qua mỗi mùa vụ, nhận thấy hiệu quả của sản xuất quy mô lớn, chị Lanh mở rộng diện tích tích tụ ngày càng nhiều. Đền nay, sau gần 10 năm nỗ lực, chị Lanh đã trở thành đại điền lớn nhất tỉnh Thái Bình với diện tích tích tụ 100 ha của gần 800 hộ dân; trong đó có 80 ha diện tích thuộc xã Bình Minh và 20 ha tại xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương). Chị cũng mạnh dạn đầu tư gần 5 tỷ đồng máy móc phục vụ nông nghiệp từ máy gặt, máy làm đất, máy bón phân, máy cấy, máy gieo mạ đến máy bay phun thuốc trừ sâu cùng hệ thống máy sấy với công suất 40-45 tấn/ngày đêm.
Không những vậy, chị Lanh còn làm dịch vụ nông nghiệp cho gần 100 ha diện tích cho nông dân và Hợp tác xã trong và ngoài huyện Kiến Xương, thu lợi nhuận từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Năm 2022 lần đầu tiên trên “Quê hương 5 tấn”, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh do chị làm Giám đốc là hợp tác xã kiểu mới đầu tiên tại Thái Bình do đại điền làm chủ.
Còn với đại điền 9X Phan Quốc Cường (sinh năm 1997, xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương), việc tích tụ ruộng đất được anh thực hiện được 5 năm nay đã mở ra cho anh hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Anh Cường hiện cũng là một trong những gương mặt trẻ nhất trong Câu lạc bộ Đại điền tỉnh Thái Bình. Đến nay anh Cường đã tích tụ gần 50 mẫu ruộng, tập trung ở các cánh đồng xã Vũ Lễ và xã Vũ Sơn (huyện Kiến Xương) cùng nhiều máy móc nông nghiệp, tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều nông dân ở Thái Bình mạnh dạn thay đổi tư duy làm nông nghiệp thời gian qua. Ông Đỗ Văn Dân, Chủ tịch Câu lạc bộ Đại điền tỉnh Thái Bình cho biết, năm 2019, nhóm những người canh tác lúa với diện tích quy mô lớn tại Thái Bình tập hợp nhau dưới tên gọi “Hội những người cấy lúa quy mô lớn”.
Khi đó, Hội chỉ có 7-8 hộ cấy lúa quy mô lớn tại huyện Kiến Xương. Đến năm 2022, Hội đổi tên thành “Câu lạc bộ Đại điền”, hiện có tới gần 700 thành viên tham gia, tập hợp các hộ tích tụ ruộng đất từ 2 ha đến 100 ha. Điều đó cho thấy tốc độ phát triển mạnh mẽ của xu hướng tích tụ ruộng đất tại Thái Bình.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, việc tích tụ, tập trung đất đai đã tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa toàn diện, tạo hiệu quả rõ rệt về kinh tế như giảm chi phí đầu vào khoảng 2,6 triệu đồng/ha; việc hoàn thành hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm đạt trên 95% do sản lượng nông sản đủ lớn, chất lượng, mẫu mã có tỷ lệ đồng đều cao.
Tính riêng vụ Mùa năm 2024, diện tích tích tụ ruộng đất trên địa bàn đạt gần 6.000 ha; trong đó tích tụ theo hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 1.210,6 ha; tích tụ bằng hình thức thuê quyền sử dụng đất là 4.768,69 ha, diện tích liên kết sản xuất là 4.345,04 ha… Các huyện đi đầu trong phong trào tích tụ, tập trung ruộng đất là Quỳnh Phụ, Đông Hưng và Kiến Xương, Vũ Thư.
Hỗ trợ để đại điền phát triển
Với thế mạnh về nông nghiệp, tỉnh Thái Bình luôn xác định nông nghiệp là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế; trong đó tích tụ ruộng đất quy mô lớn được xác định là bước thứ hai sau dồn điền, đổi thửa nhằm thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vốn, đưa máy móc thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo điều kiện để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Hiện thực hóa chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, UBND cấp xã được hỗ trợ kinh phí để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê đất, cứ mỗi héc-ta được 1 triệu đồng/năm; người cho thuê ruộng được hỗ trợ 20 kg thóc/360 m2/năm; tổ chức, cá nhân chủ trì liên kết hoặc nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất được hỗ trợ kinh phí tổ chức thực hiện 1 triệu đồng/ha… Ngoài ra, tỉnh Thái Bình hỗ trợ 50% đơn giá mua máy cấy, máy sấy nhưng tối đa không quá 40 triệu đồng/máy cấy, không quá từ 40 triệu đồng tới 70 triệu đồng/máy sấy (tùy công suất)…
Để thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh Thái Bình tiếp tục ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND (Nghị quyết 08) quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028 với đối tượng được nhận hỗ trợ là UBND xã, cơ sở thôn; người dân có quyền sử dụng đất và tổ chức, gia đình, hộ cá nhân tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai hình thành vùng sản xuất tập trung được hỗ trợ 1.000 đồng/m2 nhưng không quá 1 tỷ đồng/vùng để cải tạo đất, cải tạo mặt bằng vùng sản xuất tập trung sau khi tích tụ, tập trung đất đai. Tỉnh cũng hỗ trợ đầu tư về giao thông kết nối vùng sản xuất tập trung diện tích tối thiểu 50 ha; trong đó, diện tích liền mảnh tối thiểu 20 ha với mức không quá 3 tỷ đồng và 5 tỷ đồng/vùng sản xuất tập trung…
Ông Lê Hồng Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cho biết, hiện trên địa bàn có trên 2.000 cá nhân, tổ chức tham gia tích tụ đất đai; trong đó chủ yếu là diện tích dưới 5 ha. Thời gian qua, các cấp Hội nông dân đã đẩy mạnh tuyên truyền các Nghị quyết liên quan đến chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện chính sách còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Hiện chưa có hội viên được hưởng lợi từ Nghị quyết này.
Cụ thể, theo quy định của Nghị quyết, điều kiện được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với trường hợp tích tụ, tập trung đất đai theo phương thức chuyển nhượng quyền, thuê hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đảm bảo diện tích tích tụ, tập trung liền mảnh tối thiểu 5 ha/vùng; thời gian thuê/góp vốn bằng quyền sử dụng đất ổn định tối thiểu 5 năm.
Trường hợp tập trung đất đai theo phương thức liên kết sản xuất phải đảm bảo diện tích đất tập trung liền mảnh tối thiểu 20 ha, thời gian liên kết bảo đảm ổn định tối thiểu 5 năm đối với sản phẩm nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt có chu kỳ sản xuất từ 1 năm trở lên và tối thiểu 3 năm đối với sản phẩm nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt có chu kỳ sản xuất dưới 1 năm.
Trong khi đó hiện nay việc cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập, do đó việc nhận chuyển nhượng hay thuê quyền sử dụng đất của các hộ tích tụ còn khó khăn, dẫn đến các hộ tích tụ khó tiếp cận chính sách. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ trong liên kết sản xuất với thủ tục phức tạp, chưa đồng bộ cũng là nguyên nhân khiến Nghị quyết 08 chưa đi vào thực tiễn, chưa tạo động lực mạnh mẽ giúp các hộ đại điền đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai.
Để Nghị quyết 08 đi vào cuộc sống, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cho rằng cần đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm tạo thuận lợi cho quá trình chuyển nhượng, thuê, mượn quyền sử dụng đất; đồng thời nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục trong đó có thủ tục liên kết diện tích 20 ha liền mảnh.
Dưới góc độ những người trực tiếp sản xuất, ông Đỗ Văn Dân – Chủ tịch Câu lạc bộ đại điền tỉnh Thái Bình cho rằng, một trong những trở ngại của đại điền hiện nay là vấn đề mặt bằng, bãi để khay mạ, kho chứa, nhà xưởng. Diện tích canh tác lớn nhưng nông dân lại chưa có đủ điều kiện để thuê đất làm nhà kho, nhà chứa thóc gạo, máy móc, nhà xưởng sấy thóc…
Trong khi đó xu thế hiện nay của nhiều đại điền Thái Bình là vừa canh tác lớn vừa mở rộng làm dịch vụ nông nghiệp cho các hộ, hợp tác xã khác. Do vậy, ông Dân kiến nghị các cấp chính quyền hỗ trợ đại điền có mặt bằng hợp pháp để làm hệ thống kho, nhà xưởng phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Đây là những tiền đề giúp đại điền Thái Bình vươn xa trên hành trình xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hướng tới xây dựng Thái Bình trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu của vùng đồng bằng sông Hồng như Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.
Nguồn: https://thaibinh.gov.vn/tin-tuc/tin-kinh-te/tich-tu-ruong-dat-hoi-sinh-nhung-canh-dong-hoang.html