Thủ tướng Trung Quốc thăm Saudi Arabia và UAE, Tổng thống Nga không muốn trả lời phỏng vấn truyền thông phương Tây, Ukraine bắn hạ nhiều UAV và tên lửa Nga, Israel và Hezbollah tiếp tục giao tranh ở khu vực biên giới… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên vào ngày 10/9. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Thủ tướng Trung Quốc thăm Saudi Arabia và UAE: Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/9 cho biết Thủ tướng Lý Cường sẽ thăm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong tuần này.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh: “Từ ngày 10-13/9, Thủ tướng Lý Cường sẽ đến Saudi Arabia để chủ trì Phiên họp thứ tư của Ủy ban chung cấp cao Trung Quốc-Saudi Arabia và thăm Saudi Arabia và UAE”.
Trung Quốc là nước sản xuất dầu, từ lâu đã nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông, khu vực mà Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong những năm gần đây. (AFP)
*Ấn Độ nêu điều kiện đối thoại với Pakistan: Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh ngày 8/9 tuyên bố rằng Ấn Độ sẵn sàng khởi động đối thoại với Pakistan nếu nước láng giềng ngăn chặn khủng bố ở Jammu và Kashmir (J&K).
Bộ trưởng Singh nhấn mạnh khi nào Pakistan ngừng tài trợ khủng bố ở Jammu và Kashmir (J&K) thì New Delhi sẽ khởi động đối thoại với Islamabad.
Theo Bộ trưởng Singh, hơn 40.000 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố ở J&K. Cũng trong sự kiện vận động nêu trên, Bộ trưởng Singh đã kêu gọi người dân sinh sống trong khu vực Kashmir bị Pakistan chiếm đóng gia nhập Ấn Độ, khẳng định họ được coi là “của chúng ta” không giống như ở Pakistan – nơi họ bị đối xử như “người nước ngoài”. (Al Jazeera)
*Trung Quốc, Nga sắp tập trận chung: Ngày 9/9, Trung Quốc thông báo sẽ tổ chức tập trận chung với Nga trong tháng này, khi hai nước thắt chặt quan hệ, khiến NATO coi Bắc Kinh là “kẻ tiếp tay” cho cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.
Bộ quốc phòng Trung Quốc cho biết, lực lượng hải quân và không quân sẽ tham gia cuộc tập trận “North-Joint 2024” trên không và xung quanh Biển Nhật Bản và Biển Okhotsk, ngoài khơi bờ biển Nga.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng nêu rõ: “Cuộc tập trận này nhằm mục đích tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược giữa quân đội Trung Quốc và Nga, cũng như nâng cao khả năng cùng nhau xử lý các mối đe dọa an ninh”.
Nga và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế trong những năm gần đây. Hai nước tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” ngay trước khi Moscow phát động chiến dịch đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022. (Reuters)
*Nhóm Bộ tứ chốt thời gian họp thượng đỉnh: Các nguồn tin ngoại giao ngày 8/9 cho biết các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ sẽ họp nhóm Bộ tứ tại Delaware (Mỹ) vào cuối tháng này.
Theo các nguồn tin, các cuộc đàm phán theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 21/9 tại Wilmington, nơi Tổng thống Mỹ Joe Biden có nhà riêng, trong bối cảnh cả Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đều sẽ rời nhiệm sở trong thời gian tới.
Ông Biden đã rút lui khỏi cuộc đua giành chức Tổng thống Mỹ, với Phó Tổng thống Kamala Harris hiện là ứng cử viên của đảng Dân chủ, trong khi Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố ông sẽ không tái tranh cử làm người đứng đầu đảng Dân chủ Tự do cầm quyền khi đảng này tổ chức bầu lãnh đạo vào ngày 27/9. (Kyodo)
*Ngoại trưởng Trung Quốc lên kế hoạch thăm Nga: Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/9 cho biết Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ thăm Nga trong tuần này để tham dự cuộc họp an ninh của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ hy vọng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan từ ngày 22-24/10. Ông Putin đã trông đợi sự ủng hộ của nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi phát động chiến dịch đặc biệt tại Ukraine năm 2022. (Reuters)
Châu Âu
*Nga hoan nghênh Đức điều tra vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc: Ngày 9/9, Điện Kremlin nhấn mạnh Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đúng khi muốn tiến hành cuộc điều tra thấu đáo về vụ tấn công năm 2022 vào đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream).
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình Đức vào cuối tuần, Thủ tướng Olaf Scholz cam kết Chính phủ Đức sẽ nỗ lực hết sức để làm rõ hành vi phá hoại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc và buộc những đối tượng liên quan chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã hoan nghênh tuyên bố trên mới nhất nêu trên của ông Scholz. Phát biểu với báo giới, ông Peskov nói: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý rằng vụ tấn công khủng bố, vụ phá hoại Nord Streams phải được điều tra thấu đáo”. (Reuters)
*Điện Kremlin: Tổng thống Nga không muốn trả lời phỏng vấn truyền thông phương Tây: Điện Kremlin ngày 9/9 cho biết Tổng thống Vladimir Putin hiện không quan tâm đến việc trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông phương Tây, bao gồm cả phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal, người đã được thả khỏi nhà tù Nga vào tháng trước.
Khi được hỏi trong ngày 9/9 rằng liệu có hồi đáp đối với yêu cầu của ông Gershkovich hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Cho đến nay, chúng tôi không quan tâm đến một cuộc phỏng vấn như vậy. Để có một cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài, và một cuộc phỏng vấn cụ thể, chúng tôi cần phải có một dịp nào đó. Cho đến nay, chúng ta chưa thấy dịp nào như vậy”. (Reuters)
*Ukraine tuyên bố bắn hạ nhiều UAV và tên lửa Nga: Ngày 9/9, Không quân Ukraine cho biết lực lượng này đã bắn hạ 6 trong số 8 thiết bị bay không người lái (UAV) do Nga phóng và 2 trong số 3 tên lửa trong một cuộc tấn công vào ban đêm.
Trong khi đó, cùng ngày, quyền Thống đốc tỉnh Kursk của Nga Alexey Smirnov cho biết Lực lượng phòng không nước này đã phá hủy 1 quả bom của Ukraine thả từ trên không ở khu vực biên giới của tỉnh Kursk. (Reuters)
*Latvia tuyên bố UAV Nga rơi trên lãnh thổ NATO: Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics ngày 8/9 thông báo 1 thiết bị bay không người lái (UAV) quân sự của Nga đã bị rơi trên lãnh thổ nước này, đồng thời lưu ý các vụ xâm phạm không phận đã gia tăng dọc theo biên giới phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Latvia, chiếc UAV nêu trên đã bay vào không phận của nước này từ Belarus và bị rơi tại thành phố Rezekne.
Bộ trưởng Quốc phòng Andris Spruds thông tin: “Tình hình hiện nay cho thấy chúng tôi cần tiếp tục củng cố biên giới phía Đông của Latvia, bao gồm phát triển năng lực phòng không và năng lực tác chiến điện tử để hạn chế hoạt động của các loại UAV thuộc nhiều ứng dụng khác nhau”. (AFP)
Trung Đông – châu Phi
*Iran cáo buộc Israel về cuộc tấn công ở Syria: Ngày 9/9, Iran cáo buộc Israel đã thực hiện một cuộc tấn công “tội ác” ở miền Trung Syria khiến ít nhất 14 người thiệt mạng.
Phát biểu họp báo ở Tehran, người phát ngôn bộ ngoại giao Iran Nasser Kanani nhấn mạnh: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ cuộc tấn công tội ác này của Israel trên lãnh thổ Syria”, kêu gọi những bên ủng hộ Israel “ngừng hỗ trợ và cung cấp vũ khí cho nước này”.
Trước đó trong ngày, truyền thông Syria đưa tin Israel đã thực hiện nhiều đợt không kích vào tỉnh Hama của Syria trong đêm 8/9 (giờ địa phương) đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng. Một số nguồn tin khu vực tiết lộ những cuộc tấn công này nhằm vào một trung tâm nghiên cứu quân sự lớn của Syria. (AFP)
*Nga không bác bỏ thông tin nhận tên lửa đạn đạo từ Iran: Điện Kremlin không đưa ra lời bác bỏ khi được hỏi về thông tin mà tờ Wall Street Journal đưa ra rằng Iran đã chuyển tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga.
Ngày 9/9, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Chúng tôi đã xem thông tin này, không phải lúc nào thông tin kiểu này cũng đúng. Iran là đối tác quan trọng của chúng tôi, chúng tôi đang phát triển quan hệ thương mại và kinh tế, chúng tôi đang phát triển hợp tác và đối thoại trong mọi lĩnh vực có thể, bao gồm cả những lĩnh vực nhạy cảm nhất”. (AFP)
*Israel và Hezbollah tiếp tục giao tranh ở khu vực biên giới: Theo các nguồn tin từ Lebanon, phong trào Hezbollah đã tấn công một số địa điểm quân sự ở miền Bắc Israel và Cao nguyên Golan trong chiều 8/9 (giờ địa phương), khiến quân đội Israel đáp trả bằng những cuộc không kích khiến 3 thường dân bị thương.
Hezbollah ra tuyên bố thừa nhận thực hiện các vụ việc nêu trên.
Hezbollah cũng xác nhận đã tiến hành cuộc tập kích bằng UAV vào Căn cứ hải quân Ras al-Naqoura của Israel nhằm đáp trả vụ tấn công ngôi làng Froun của Lebanon hôm 7/9, khiến 3 nhân viên phòng vệ dân sự tử vong.
Trong những tuần qua, cường độ giao tranh giữa Hezbollah và Israel đã tăng lên một cách đều đặn, khiến hàng chục nghìn dân thường ở cả hai bên biên giới Lebanon – Israel phải rời bỏ nhà cửa để tìm nơi tạm trú an toàn. (Al Jazeera)
Châu Mỹ – Mỹ Latinh
*Bầu cử Mỹ 2024: Hai ứng cử viên đang cạnh tranh sít sao: Càng tiến về giai đoạn cuối của chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, đặc biệt là thời điểm trước thềm cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên dự kiến diễn ra tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia vào ngày 10/9, cuộc cạnh tranh giữa ứng cử viên của đảng Cộng hòa, ông Donald Trump và bà Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ, càng gay cấn và sít sao.
Theo kết quả của cuộc khảo sát mới đây nhất do tờ New York Times và Siena College thực hiện, vừa được công bố vào ngày 8/9, ông Trump hơn bà Harris 1 điểm phần trăm, đạt mức 48% so với 47% của đương kim Phó Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, với biên độ sai số 3%, điều này có nghĩa là bất cứ ứng cử viên nào cũng có thể giành chiến thắng, và cách biệt mà ông Trump tạo được so với đối thủ là vô cùng mong manh.
Kết quả khảo sát này càng cho thấy cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Harris dự kiến diễn ra vào ngày 10/9 có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Đây là cơ hội để bà Kamala Harris công bố chi tiết hơn về các chính sách tranh cử, nhưng cũng là cơ hội để ông Trump củng cố các luận điểm của mình. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng với sự cạnh tranh sít sao như hiện nay, chỉ cần một lợi thế nhỏ cũng có thể đem lại kết quả tốt cho cả ông Trump cũng như bà Harris. (Reuters)
*Venezuela thu hồi quyền đại diện của Brazil tại Đại sứ quán Argentina: Ngày 9/9, Chính phủ Venezuela công bố quyết định thu hồi “ngay lập tức” quyền đại diện của Brazil cho lợi ích của quốc gia Argentina và các công dân Argentina trên lãnh thổ Venezuela.
Trên tài khoản mạng xã hội, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Yván Gil đăng thông báo trên, đồng thời nhấn mạnh Venezuela “buộc phải đưa ra quyết định này dựa trên những bằng chứng liên quan đến việc cơ sở vật chất của Đại sứ quán Argentina đang được sử dụng để lên kế hoạch khủng bố”.
Ngoại trưởng Gil tố cáo tại trụ sở cơ quan ngoại giao nói trên, “một âm mưu ám sát Tổng thống Nicolas Maduro và Phó Chủ tịch Delcy Rodríguez đang được lên kế hoạch”.
Chính phủ Venezuela khẳng định quyết định thu hồi quyền đại diện của Brazil tại Đại sứ quán Argentina “phù hợp và tuân thủ đầy đủ Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961 và Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự năm 1963”. (AFP)