Chùa Keo có tên là “Thần Quang Tự”, tọa lạc trên bờ sông Thái Bình tại làng Keo nay là xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Nơi đây có lưu giữ bảo vật quốc gia Hương án chùa Keo và hai bộ cánh cửa gỗ chạm khắc hình tượng rồng mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, có hình thức độc đáo.
Tại chùa Keo, hai bộ cánh cửa gỗ chạm khắc hình tượng rồng Niên đại: Thế kỷ XVII), đặt ở cửa chính tam quan nội chùa Keo tỉnh Thái Bình, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017.
Hiện nay, tại di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo hai bộ cánh cửa gỗ này được các nghệ nhân phục dựng lại giống như nguyên bản. Còn bộ cánh cửa chính gốc đang được bảo quản, trưng bày trang trọng ngay tòa chính giữa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Bộ cánh cửa được tạo từ hai cánh hình chữ nhật, mỗi cánh cửa được ghép bằng 4 miếng gỗ nhỏ. Mỗi cánh chạm một hình rồng lớn, một hình rồng nhỏ và một hình nghê. Đôi rồng lớn trong thế vươn mình hướng lên chầu vào giữa.
Hình tượng rồng ở đây được thể hiện qua bố cục đăng đối “Lưỡng long chầu nhật” khi hai cánh cửa hợp lại. Thế uốn cong của đôi rồng kết hợp tạo thành hình lá đề, cùng với kỹ thuật chạm lộng điêu luyện, tạo thành nhiều lớp không gian có chiều sâu.
Bảo vật quốc gia thứ 2 tại ngôi cổ tự gần 400 năm tuổi chùa Keo là hương án (còn gọi là nhang án, bàn thờ) là đồ dùng thờ cúng, dùng để bát hương và bày đồ thờ, tạo tác thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2021.
Tại Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo, hương án được đặt trang trọng tại tòa ống muống (phụ quốc) tiếp giáp với tòa Hậu cung của khu thờ đức Thánh Dương Không Lộ.
Hương án hình hộp chữ nhật dạng chân quỳ, dạ cá, được kết cấu 3 phần chính: mặt, thân và chân. Đây là sản phẩm thủ công, độc bản với trên 1.000 họa tiết được chạm khắc điêu luyện, bố cục chặt chẽ.
Trong đó, hình tượng rồng có 68 đồ án được bố cục theo những đề tài “long ẩn vân,” “lưỡng long chầu nhật”, “long giáng”,… cùng với khoảng 550 hoa sen, 435 hoa cúc, 24 hoa dây, lá, trúc, linh thú, mây lửa, ngọc báu…
Thân hương án được các nghệ nhân xưa dày công tuyệt tác với trình độ hoàn hảo, công phu. Đây là phần trung tâm của bảo vật quốc gia, với rất nhiều chi tiết chạm khắc phức tạp, tỉ mỉ nhưng hài hòa, đối xứng như phô diễn tài năng điêu khắc của nghệ nhân xưa.
Đặc biệt, do kích thước của hương án lớn và nặng nên dưới phần chân còn được lắp dàn thanh ngang, trục dọc dạng khóa mộng với 4 bánh xe bằng đá, để khi cần có thể đẩy di chuyển. Sự sáng tạo này vừa bảo vệ hương án không chịu tác động xấu do quá trình khiêng vác gây ra, vừa tránh được việc hơi nước ẩm từ nền đất ngấm lên.