Diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia tăng tốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, Hội nghị các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương (PALM) lần thứ 10 là cơ hội để Nhật Bản gia tăng tiếng nói và vị thế với các quốc đảo trong khu vực.
Các đại biểu tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương. (Nguồn: japan.kantei.go.jp) |
Ngày 16/7, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio đón chào đại diện đến từ 18 thành viên của Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) tham dự PALM 10. Diễn ra trong ba ngày, Hội nghị với chương trình nghị sự tập trung vào những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến khu vực, từ củng cố an ninh cho đến tìm kiếm các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết Nhật Bản và các nước thành viên “đã hợp tác chặt chẽ để giải quyết những thách thức chung, như biến đổi khí hậu và ứng phó với thảm họa”. Ông đồng thời khẳng định “khi cùng nhau thích nghi với những hoàn cảnh đang thay đổi, Tokyo sẽ cùng các quốc đảo và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương tiếp tục tiến bước”.
Nhật Bản có mối quan hệ lịch sử với các quốc đảo Thái Bình Dương. Hơn hai thập kỷ qua, kể từ hội nghị đầu tiên với các quốc đảo Thái Bình Dương được tổ chức vào năm 1997, Tokyo luôn duy trì chính sách hỗ trợ các nước khu vực này trên hiều lĩnh vực, từ an ninh hàng hải đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thích ứng với biến đổi khí hậu… Chính sách này đã giúp Tokyo mở rộng ảnh hưởng, nâng cao hình ảnh và gia tăng lợi ích quốc gia ở khu vực đang ngày càng trở nên “hấp dẫn”.
Bên cạnh đó, bản thân Nhật Bản cũng có nhu cầu hợp tác thực chất, hiệu quả hơn với các nước trong khu vực nhằm ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu, vấn đề mà không quốc gia nào có thể thực hiện thành công một mình. Đặc biệt, trong bối cảnh các quốc đảo Thái Bình Dương đang phải đối mặt với thiên tai nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, thậm chí có khả năng chìm hẳn xuống biển, các nước này cũng giống Nhật Bản có nhu cầu hợp tác thực chất theo phương châm “giúp người cũng là giúp mình”.
Trước thực tế đó, một vấn đề mà Thủ tướng Kishida sẽ thảo luận sâu với các quốc gia thành viên là xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima. Hồi tháng 11/2023, lãnh đạo các quốc đảo từng đưa ra tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc xả nước thải nhiễm xạ của Nhật Bản. Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu trước lễ khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Kishida cho biết, Nhật Bản và 18 nước thành viên “đã hợp tác chặt chẽ để giải quyết những thách thức chung, như biến đổi khí hậu và ứng phó với thảm họa”, đồng thời khẳng định Tokyo “tiếp tục đồng hành với các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Thái Bình Dương”…
Tuy nhiên, trong quá trình mở rộng hợp tác với các quốc đảo trong khu vực, Tokyo cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt từ các cường quốc, đặc biệt là vai trò và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát đánh giá Nhật Bản vẫn có một số lợi thế đáng kể. Thứ nhất là về cách làm, bởi trước khi đưa ra một gói hỗ trợ nào đó, Nhật Bản luôn nghiên cứu kỹ xem đối tác thực sự muốn gì, hỗ trợ ra sao cho hiệu quả theo hướng “không cho cá mà đưa cần câu”. Thứ hai, Nhật Bản có tiềm năng kinh tế hùng mạnh và khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong lĩnh vực quan trắc, cảnh báo, ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu.
Có thể thấy, PALM 10 là diễn đàn quan trọng, cơ hội thuận lợi để Nhật Bản và các nước tiếp tục thảo luận sâu hơn, đưa ra các biện pháp thiết thực, hữu hiệu nhằm ứng phó và giải quyết những thách thức chung về an ninh, kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, củng cố hợp tác để thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực và ở mỗi nước.