Làng chèo Hà Xá, xã Tân Lễ (Hưng Hà) là một trong ba làng chèo cổ nổi tiếng của Thái Bình. Nhằm phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của một điểm đến văn hóa, tháng 7/2023, tại xã Tân Lễ, các thành viên câu lạc bộ (CLB) chèo Hà Xá đã được tham gia lớp truyền dạy nghệ thuật chèo do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức. Từ những kỹ năng hát, múa, biểu diễn chèo, người dân nơi đây thêm quyết tâm chung tay gìn giữ hồn quê, khôi phục làng chèo, để chiếu chèo trên quê hương ngày thêm rộn rã.
Câu lạc bộ chèo Hà Xá biểu diễn.
Điểm đặc biệt ở CLB chèo Hà Xá là 40 thành viên ở mọi lứa tuổi, ngành nghề. Trong đó có những ông, bà đã trên 70 tuổi, có cả học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn xã. Tình yêu và niềm tự hào về truyền thống của quê hương đã kéo mọi người xích lại gần nhau, cùng chung quyết tâm phục dựng và bảo tồn nghệ thuật chèo.
Là một trong những em nhỏ tự tin thể hiện khả năng hát chèo tại chương trình biểu diễn sau lớp tập huấn của CLB chèo Hà Xá, em Hà Nguyễn Trà My, lớp 7A1, Trường THCS Phạm Đôn Lễ chia sẻ: Ngoài các ông, bà, cô, bác, ở CLB có 8 học sinh tiểu học, THCS. Em thấy chèo dành cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác. Chúng em đã được học nhiều bài hát chèo, được giảng giải ý nghĩa câu từ trong các bài hát, trích đoạn chèo cổ, thông qua đó hiểu hơn tiếng hát chèo của cha ông. Em thấy thêm yêu, thêm tự hào về đất nước và về nghệ thuật chèo của quê hương mình.
Còn ông Trần Bá Hỏi, một thành viên của CLB chèo Hà Xá, nay đã gần 60 tuổi, ở thôn Tân Hòa, xã Tân Lễ cho biết, ông đam mê nghệ thuật chèo từ ngày còn thơ bé, lớn lên trong tiếng hát chèo của bà, của mẹ. Niềm đam mê với nghệ thuật chèo cứ lớn dần theo năm tháng, ông luôn dành thời gian xem biểu diễn chèo tại địa phương mình. Bởi vậy, ngay khi nắm bắt thông tin về lớp truyền dạy nghệ thuật chèo của Trung tâm Văn hóa tỉnh nhằm phục dựng chiếng chèo cổ trên quê hương, ông đã tích cực tham gia, chăm chỉ tập luyện nhiều làn điệu.
Ông Hỏi chia sẻ: Trong các bài hát chèo được tập, tôi ấn tượng nhất với bài “Hát về Tổ quốc hôm nay” bởi khi hát những lời ca đi vào lòng người ấy cảm xúc tự hào trào dâng. Không chỉ tôi mà nhiều thành viên trong CLB cũng thấy như vậy! Tôi mong tiếp tục được trau dồi kỹ năng hát chèo để có thể truyền lại cho con cháu mình tình yêu với nghệ thuật chèo.
Là giảng viên trực tiếp của lớp truyền dạy nghệ thuật chèo, nghệ sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng khoa Sân khấu âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình cho biết: Dù thành viên của lớp học đều bận mải với công việc riêng nhưng điều đáng mừng là ngoài thời gian với thầy mọi người đều chăm chỉ tự rèn luyện, trau dồi kỹ năng hát, múa. Quyết tâm của học viên khiến người dạy luôn cố gắng để có thể chia sẻ hết những kiến thức đã được các bậc cha anh đi trước truyền lại để chung tay phục dựng chiếng chèo cổ. Sau 10 buổi truyền dạy, đến nay các học viên đã tự tin biểu diễn một số làn điệu như lới lơ, đào liễu, đò đưa, sa lệch chênh, hề mồi thắt lưng xanh, luyện năm cung, tình thư hà vị, du xuân, đường trường thu không, con nhện giăng mùng và trích đoạn “Lý trưởng mẹ Đốp” (trong vở chèo “Quan âm Thị Kính”). Với quyết tâm của các thành viên trong CLB, chiếu chèo quê sẽ là điểm hẹn để mọi người thể hiện những làn điệu chèo ngọt ngào, sâu lắng, những trích đoạn chèo cổ súc tích trong câu từ mà vẫn vẹn nguyên giá trị cho tới ngày nay.
Ông Đinh Bá Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà chia sẻ: Về phía huyện Hưng Hà, chúng tôi quyết tâm từng bước cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nhân dân xã Tân Lễ, thôn Hải Triều Xuân khôi phục và phát huy giá trị nghệ thuật chèo để làm sao chiếng chèo Hà Xá của Tân Lễ dần trở lại với đời sống sinh hoạt của bà con nơi đây và sẽ góp phần cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong vùng tô đẹp thêm bản sắc văn hóa của địa phương, tạo nên giá trị sản phẩm văn hóa du lịch trên địa bàn huyện Hưng Hà.
Nơi chiếu chèo quê, khi là những lời ca say đắm lòng người, khi là tiếng cười giòn giã, đả kích cái xấu, cái ác, khi lại là những giọt nước mắt cảm thông với thân phận chịu nhiều thiệt thòi… Những người nông dân mê chèo, say chèo như làm sáng bừng, rộn rã cả một góc làng quê. Họ tin rằng chiếng chèo Hà Xá sẽ lại náo nhiệt như chiếng chèo làng Khuốc. Họ tập chèo, hát chèo với niềm tự hào và trọng trách bảo tồn vốn cổ của cha ông.
Nghệ thuật chèo tại Hà Xá đang được nhiều thế hệ tiếp nối.
Tú Anh