Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/ TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã được triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả, hoàn thành việc đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng của tỉnh, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đồng thuận của đại bộ phận nhân dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều quy định mới của Luật Đất đai, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan ra đời, việc thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU đã phát sinh những tồn tại, hạn chế trong công tác GPMB. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thấy cần thiết ban hành chủ trương mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, nhấn mạnh sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong công tác GPMB trên địa bàn tỉnh.
Sau 3 năm triển khai Chỉ thị số 08-CT/TU, toàn tỉnh đã hoàn thành việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với 354 dự án, tổng diện tích 1.083,2ha.
Quỳnh Phụ – điểm sáng phong trào hiến đất mở đường
Chia sẻ về những ngày đầu triển khai Chỉ thị số 08-CT/TU trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ – điểm sáng trong phong trào hiến đất làm đường ở Thái Bình, ông Nguyễn Văn Nhiễm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: Ngay sau khi Chỉ thị số 08-CT/TU được ban hành, các đồng chí Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy rất trăn trở, lo lắng. Làm sao, làm như thế nào để Chỉ thị thực sự phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong nhân dân? Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng, họp bàn nghiêm túc và ban hành Thông báo kết luận số 220-TB/ HU, ngày 13/7/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước không đòi lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường giao thông. Với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau thành công bước đầu tại xã điểm Quỳnh Ngọc, huyện đã phát động phong trào thi đua, lan tỏa tinh thần hiến đất mở đường ra toàn huyện. Đến nay, hiến đất mở đường đã trở thành phong trào, khí thế sôi nổi, rộng khắp trên toàn huyện. Ở Quỳnh Phụ hiện nay, cứ làm đường là nhân dân hiến đất, dù là đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã, đường thôn hay trục chính nội đồng; có hộ góp đến gần 300m2 đất ở hoặc trên 2.000m2 đất nông nghiệp, có hộ hiến đất với trị giá trên 2 tỷ đồng… Đến nay, toàn huyện đã có hơn 7.000 gia đình tự nguyện tặng quyền sử dụng đất cho Nhà nước với diện tích hơn 50ha, trị giá gần 800 tỷ đồng.
Lan tỏa tinh thần Chỉ thị số 08-CT/TU
Từ điểm sáng Quỳnh Phụ, phong trào hiến đất mở đường đã lan tỏa ra nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh. Đến nay, tại nhiều địa phương, người người, nhà nhà tích cực tham gia phong trào hiến đất làm đường. Diện mạo nông thôn đang dần chuyển mình mạnh mẽ.
Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy) có tổng diện tích GPMB 588,84ha của 4 doanh nghiệp và 3.603 hộ dân, trong đó đất lúa 3.207 hộ, đất chuyển đổi và đất bãi bồi ven sông 332 hộ, đất ở 64 hộ. Sau gần 3 năm triển khai, huyện Thái Thụy đã cơ bản hoàn thành GPMB dự án trên, chỉ còn vướng mắc liên quan đến đất ở của một số hộ dân và đất của 2 doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thái Thụy cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác GPMB là khâu tiền đề, quan trọng, quyết định thành công của dự án, huyện huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Huyện đã thành lập ban chỉ đạo, hội đồng GPMB, giao nhiệm vụ cho từng cấp ủy viên, trưởng các ban, ngành, đoàn thể phụ trách địa bàn, lĩnh vực tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Hàng tuần, UBND huyện tổ chức họp đánh giá kết quả, tiến độ, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời bàn giải pháp tháo gỡ nhằm bảo đảm đúng tiến độ GPMB theo kế hoạch. Bên cạnh đó, huyện triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo từ vận động người dân, tuyên truyền, chuyển tải chính sách về GPMB cũng như hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Theo báo cáo, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/ TU, đến nay UBND các huyện, thành phố đã hoàn thành việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với 354 dự án, tổng diện tích là 1.083,2ha; trong đó có 37 dự án do nhân dân tự nguyện hiến đất với diện tích 39,7ha. Đang triển khai GPMB 135 dự án với tổng diện tích phải GPMB gần 2.500ha; trong đó, diện tích đã hoàn thành GPMB trên 1.500ha, diện tích đang tiếp tục GPMB gần 950ha.
“Chìa khóa” gỡ khó công tác GPMB
Trong bối cảnh nhiều quy định mới của Luật Đất đai, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan ra đời, việc thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU đã phát sinh những tồn tại, hạn chế trong công tác GPMB, do đó cần thiết ban hành nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác GPMB trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh sự tập trung hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GPMB ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra, công tác GPMB vẫn là “điểm nghẽn” đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nghị quyết số 10-NQ/TU nhấn mạnh quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn trong công tác GPMB. Công tác GPMB phải được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nơi có dự án và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng có liên quan. Kết quả, tiến độ GPMB là thước đo đánh giá năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là năng lực của người đứng đầu. Nghị quyết số 10-NQ/TU cũng nhấn mạnh quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc hiến đất trong công tác GPMB, trên tinh thần tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo cơ chế để khuyến khích, lan tỏa phong trào tự nguyện “hiến đất”, “hiến đất cộng tài sản trên đất”, từ đó mang lại hiệu quả tích cực, cụ thể tại các địa phương. Yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, củng cố nâng cao năng lực của đơn vị làm nhiệm vụ GPMB; cũng như bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ GPMB tạo quỹ đất sạch…
Hy vọng rằng, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ, khơi thông những “điểm nghẽn”, vướng mắc trong công tác GPMB, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới.
Tỉnh Thái Bình nhận định công tác GPMB vẫn là “điểm nghẽn” đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nguyễn Thơi
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/214155/giai-phong-mat-bang-tu-chi-thi-so-08-ct-tu-den-nghi-quyet-so-10-nq-tu