Chiều ngày 22/7, đoàn công tác Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định, những năm qua, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành điện thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực điện lực, bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đời sống dân sinh.
Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực, tỉnh Thái Bình đã thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước lĩnh vực điện lực thuộc chức năng, nhiệm vụ của địa phương ngày càng được củng cố, hoàn thiện, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Việc lập, thực hiện, điều chỉnh các quy hoạch liên quan phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, bảo đảm kịp thời, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tỉnh triển khai có hiệu quả các dự án phát điện trên địa bàn như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, đang triển khai công tác đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình tổng công suất 1.500MW và quy hoạch các dự án điện gió phát triển nguồn năng lượng sạch…
Đóng góp ý kiến phục vụ thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tỉnh đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động của các chính sách đến môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư; Quốc hội xem xét sớm ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) để thực hiện, trong đó có các nội dung về năng lượng tái tạo…
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận, đi sâu làm rõ kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động điện lực, những bất cập, vướng mắc trong thực hiện Luật Điện lực, nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới khó khăn. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển, các đại biểu đề xuất, kiến nghị, góp ý kiến vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi) liên quan đến công tác quy hoạch, việc chấp thuận dự án đầu tư, khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, hoạt động mua bán điện, cơ chế giá điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết sẽ chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu chuyên sâu, tiếp tục góp ý vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi) bằng nhiều hình thức cụ thể; hoàn thiện báo cáo, nội dung kiến nghị để đoàn công tác tổng hợp, tiếp thu.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Nhiều nội dung mới được đưa vào dự thảo Luật Điện lực lần này sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng góp phần phát triển nguồn năng lượng của quốc gia. Về quy hoạch, Thái Bình ý thức rõ ràng về sự cần thiết của công tác quy hoạch nên dành nhiều thời gian, công sức để xây dựng quy hoạch tỉnh, trong đó có quy hoạch phát triển Trung tâm Điện lực tỉnh với các dự án sản xuất điện đáp ứng nhu cầu phụ tải cho phát triển công nghiệp và sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng bao gồm cả nguồn năng lượng xanh, sạch. Tỉnh đồng ý với nội dung dự thảo dự án luật quy định về quy hoạch tổng thể theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam song cũng cần có sự tham gia của các nhà đầu tư khác cung cấp năng lượng mới. Để phát triển, chuyển đổi nguồn điện xanh có thể triển khai thực hiện được cần phải luật hóa cụ thể nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư và công nghệ. Cần có thể chế tạo cơ chế khuyến khích, thu hút các thành phần, khách hàng đầu tư hạ tầng điện, đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ sản xuất tiên tiến, sử dụng tiết kiệm điện và hiệu quả… Dự án luật quy định cụ thể hơn về thẩm quyền của địa phương trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, phê duyệt dự án bảo đảm tránh chồng chéo, khả thi, rút ngắn thời gian thực hiện.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết, hiện nay các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi của Thái Bình và mong muốn được nghiên cứu đầu tư dự án. Thực tế này đặt ra Luật Điện lực cần có những quy định liên quan để không chỉ Thái Bình mà các tỉnh có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi có thể triển khai dự án góp phần đánh thức, khai thác tiềm năng của biển để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị đã dành thời gian và làm việc với đoàn, đồng thời khẳng định chương trình khảo sát, làm việc của đoàn tại Thái Bình đạt được những kết quả thiết thực, nhiều nội dung kiến nghị gợi mở cho đơn vị soạn thảo chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chỉ đạo và thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) trong thời gian tới.
Đồng chí đánh giá cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực của tỉnh. Sau khi khảo sát, làm việc tại tỉnh, đoàn công tác nhận thấy một số nội dung quan trọng cần phải đưa vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi) như tính đồng bộ, cụ thể của công tác quy hoạch phát triển nguồn và lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài; việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo phải có cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần đầu tư, đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng, an toàn lưới điện quốc gia. Hoạt động điều hành giá điện phải đáp ứng hoạt động hiệu quả của nhà cung cấp điện, sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân; về an toàn điện, luật cần cập nhật đầy đủ các quy định sát với thực tiễn, đi cùng với đó có chế tài cụ thể đủ sức răn đe.
Khắc Duẩn – Mạnh Thắng
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/1/204306/doan-cong-tac-uy-ban-khoa-hoc-cong-nghe-va-moi-truong-cua-quoc-hoi-lam-viec-voi-ubnd-tinh-ve-khao-sat-tham-tra-du-an-luat-dien-luc-sua-doi