Tết Nguyên đán là thời điểm lượng hàng hóa tiêu thụ tăng cao. Hiện nay, các cơ sở thu mua và chế biến thủy sản trên địa bàn huyện Thái Thụy đang tích cực sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn huyện Thái Thụy chủ động nguồn hàng phục vụ tết.
Trong cơn mưa lất phất vào một sáng cuối năm Giáp Thìn, chúng tôi tìm đến cơ sở chế biến nước mắm của gia đình ông Hoàng Ngọc Khang, tổ 9, thị trấn Diêm Điền đúng lúc ông đang tất bật với công đoạn đóng chai hơn 100 lít nước mắm cho khách hàng nội tỉnh.
Ông Khang tâm sự: Gia đình tôi làm nghề sản xuất nước mắm gia truyền. Để có đủ số lượng nước mắm phục vụ người tiêu dùng vào dịp tết Nguyên đán, tôi đã phải chuẩn bị từ vài tháng trước. Những ngày này, tôi tập trung toàn bộ nhân lực trong gia đình và thuê 2 lao động thời vụ để chiết nước mắm từ các bể, đóng chai, dán nhãn, đóng thùng để xuất hàng cho các thương lái. Bình quân mỗi năm, cơ sở sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 10.000 lít nước mắm các loại; riêng dịp tết Nguyên đán xuất bán khoảng 2.000 lít. Những hộ làm nước mắm truyền thống như chúng tôi không có nhiều lợi thế như các doanh nghiệp sản xuất nước chấm công nghiệp về nguồn vốn, truyền thông quảng bá sản phẩm… nhưng chúng tôi rất tự tin về chất lượng sản phẩm của mình. Chính vì vậy, thương hiệu “nước mắm Khang Chang” của tôi luôn đứng vững trên thị trường. Để tạo uy tín với khách hàng, tôi đặc biệt chú trọng đến khâu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Để làm ra nước mắm ngon thì nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng từ những con cá nục, cá cơm, cá nhâm, cá mực tươi ngon nhất. Cá sau khi được trộn đều với muối, đem vào các bể chứa ủ chượp với thời gian tối thiểu 12 tháng trước khi lọc thành nước mắm bán ra thị trường. Ngày thường, nước mắm có giá 30.000 – 200.000 đồng/lít; dịp cuối năm này, tôi vẫn giữ nguyên giá để phục vụ khách hàng. Hiện, tôi còn sản xuất thêm nhiều loại như mắm tôm, mắm mực, sơ chế thêm tôm, mực, cá tươi để phục vụ nhu cầu ẩm thực đa dạng của thực khách khắp mọi nơi.
Ông Phạm Ngọc Thủ, thị trấn Vũ Thư cho biết: Quê tôi ở thị trấn Diêm Điền, sinh ra và lớn lên ở miền biển nên tôi chỉ quen dùng nước mắm truyền thống. Tôi thấy nước mắm Khang Chang có màu cánh gián đậm, hương thơm nhẹ, vị mặn không chát, có vị ngọt thanh… Tôi thấy ăn ngon, vừa miệng. Năm nào cũng thế, cứ gần tết, tôi lại đến mua một ít về dùng và biếu người thân.
Các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn huyện Thái Thụy chủ động
nguồn hàng phục vụ tết.
Theo thống kê, thị trấn Diêm Điền có hơn 45 cơ sở thu mua và chế biến thủy sản. Dịp tết là thời điểm “đắt hàng” nhất trong năm nên hầu hết các cơ sở chế biến thủy sản đều chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng phục vụ tết Nguyên đán. Nắm bắt được nhu cầu cũng như giá cả của các loại hải sản dịp tết sẽ tăng, nhiều cơ sở sản xuất như cơ sở chế biến nước mắm truyền thống Hương Mùng, cơ sở chế biến hải sản An Bình, cơ sở chế biến hải sản Thế Long… cũng đang tt bt chuẩn bị hàng phục vụ cho dịp cuối năm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thái Thụy có hơn 90 cơ sở chế biến thủy sản ở các xã: Thụy Hải, Thụy Xuân, Thụy Trường… Chị Nguyễn Thị Lan, chủ cơ sở thu mua, chế biến hải sản Thiên Lan ở xã Thái Thượng cho biết: Trong một năm kinh doanh, tôi kỳ vọng nhất vào dịp tết. Trung bình mỗi ngày tôi thu mua và xuất bán hơn 5 tạ hải sản các loại, riêng dịp tết nhu cầu tăng gấp 2 – 3 lần. Do vậy, để bảo đảm chất lượng hải sản tươi ngon, tôi đang tranh thủ đặt hàng trước với các chủ tàu trên địa bàn để có những mẻ hải sản chất lượng nhất; đầu tư 2 kho đông lạnh bảo quản hơn 60 tấn hải sản. Việc thu mua hải sản từ sớm giúp tôi có đủ nguồn hàng cung ứng thị trường tết, tránh tình trạng cháy hàng. Năm nay, tôi đã nhận đơn hàng xuất cho các đại lý hơn 4 tấn chả mực và nõn tôm he… Đơn hàng dự kiến tiếp tục tăng lên trong những ngày tiếp theo.
Theo một số tiểu thương, hiện giá các mặt hàng hải sản đang cao hơn 20 – 30% so với các năm, cụ thể: tôm thẻ nuôi 320.000 đồng/kg (1kg khoảng 30 con); tôm nõn vàng 135.000 đồng/kg; tôm bộp 180.000 đồng/kg… Tình hình khai thác cuối năm gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, sản lượng không cao, nhưng bù lại các loại hải sản được giá nên bà con ngư dân rất phấn khởi. Từ lâu, các sản phẩm hải sản chế biến của ngư dân huyện Thái Thụy nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung được đánh giá có chất lượng thơm ngon và tiêu thụ ở khắp các tỉnh trong cả nước. Tuy nhiên, để tăng giá trị các loại hải sản, các cơ sở thu mua và chế biến thủy sản cần chú trọng đầu tư hạ tầng, công nghệ chế biến bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong quá trình thu mua, chế biến thủy sản, các cơ sở cần tuân thủ nghiêm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật để tiến tới xây dựng đạt tiêu chuẩn OCOP. Đặc biệt, để “ghi điểm” với người tiêu dùng, các cơ sở phải tăng cường quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số.
Cơ sở chế biến nước mắm Khang Chang, tổ 9, thị trấn Diêm Điền sẵn nguồn hàng phục vụ thị trường tết.
Nguyễn Thắm
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/214766/chu-dong-nguon-hang-phuc-vu-thi-truong-tet