Từ đôi bàn tay, khối óc cùng sự chăm chỉ của mình, những người nông dân Thái Bình đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, qua đó tạo nên những nét chấm phá trong bức tranh nông nghiệp. Không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng, họ còn góp phần quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Anh Bùi Ngọc Thắng, xã Thái Phương (Hưng Hà) thu lãi 300 – 400 triệu đồng/năm nhờ tích tụ ruộng đất sản xuất lúa.
Mùa vàng trên đất hoang
Người dân bỏ ruộng đi làm việc tại các công ty, nhà máy khiến cho những cánh đồng của thôn Hà Nguyên, xã Thái Phương (Hưng Hà) trở nên hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Quyết không để phí “bờ xôi, ruộng mật”, anh Bùi Ngọc Thắng đã mạnh dạn thuê, mượn lại ruộng của bà con để canh tác. Được sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã, từ vài mẫu ruộng của gia đình, anh Thắng đã tích tụ được khoảng 40 mẫu ruộng của bà con trong xã để cấy giống lúa TBR225 và nếp 97. Theo anh Thắng, thời gian đầu do sản xuất trên quy mô lớn lại chưa nắm được kỹ thuật nên sản lượng thấp, thu nhập chưa cao. Thế nhưng, chính sự cần mẫn, không ngại đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất, anh Thắng đã đưa mùa vàng lại về trên những thửa ruộng tưởng như mãi hoang hóa.
Anh Thắng chia sẻ: Tôi nhận thấy việc đưa máy móc vào đồng ruộng không chỉ giảm sức lao động mà còn nâng cao hiệu quả canh tác. Năm 2017, tôi vay mượn khắp nơi hơn 570 triệu đồng để đầu tư mua máy gặt. Đến năm 2020, tôi tiếp tục mua thêm 2 máy cày trị giá hơn 600 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, năm 2024, tôi mua thêm 1 máy cấy trị giá 300 triệu đồng. Mỗi năm tôi sản xuất 2 vụ cho năng suất trung bình khoảng 1,6 tạ/sào. Sau khi trừ các khoản chi phí cho thu lãi khoảng 300 – 400 triệu đồng/năm.
Ông Trần Bá Toản, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Phương cho biết: Anh Thắng là hội viên nông dân tiêu biểu của xã, của huyện trong phong trào tích tụ ruộng đất. Nhờ có anh Thắng, diện tích ruộng đồng hoang hóa của địa phương đã từng bước thu hẹp. Cùng với đó, anh Thắng còn tạo việc làm cho khoảng 20 lao động tham gia hỗ trợ cấy, thu hoạch lúa với mức thu nhập cao. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tuyên truyền, vận động các hộ gia đình không có nhu cầu canh tác cho anh Thắng thuê, mượn lại ruộng để mở rộng diện tích. Đồng thời, tiếp tục đồng hành hỗ trợ về vốn, giống, tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật và thủ tục pháp lý để gia đình anh yên tâm sản xuất.
Nhà sáng chế chân đất
Với tuổi thơ nghèo khó gắn bó với ruộng đồng, anh Phạm Văn Lang, xã Lô Giang (Đông Hưng) thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người nông dân hơn ai hết. Để giúp nông dân không còn “chân lấm tay bùn”, anh Lang quyết tâm nghiên cứu, chế tạo sản phẩm máy cấy. Mặc dù xuất thân là thợ mộc nhưng anh vẫn khéo léo vận dụng khả năng tính toán, tư duy thiết kế để hoàn thiện bản vẽ của riêng mình. “Ban ngày làm mộc, tối đến tôi cùng anh trai kẻ, vẽ, hết cắt lại hàn để tạo nên hình hài của chiếc máy. Có những ngày tôi làm việc đến 2 giờ sáng vẫn chưa ưng ý. Chúng tôi liên tục thử nghiệm trên cánh đồng để chỉnh sửa cho phù hợp” – anh Lang chia sẻ.
Những khó khăn ban đầu không làm anh thợ cơ khí tay ngang nản chí. Sau nhiều nỗ lực, năm 2015 chiếc máy cấy kéo tay đầu tiên của anh Lang và anh trai đã ra đời. Thế nhưng, sản phẩm này của anh không bán được số lượng lớn do không thể sử dụng trên diện tích lớn. Để tối ưu hóa công năng cho máy cấy, anh tiếp tục nghiên cứu lắp đặt động cơ giúp giảm sức lao động. Với sáng tạo độc đáo, sản phẩm của anh Lang đã được thị trường đón nhận rất tích cực và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế.
Anh Lang cho biết: Năm 2023, tôi tiếp tục cùng các cộng sự nghiên cứu, giới thiệu cho thị trường sản phẩm dàn cấy lúa gắn máy kéo. Hiện tại, mỗi năm chúng tôi bán ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 1.000 sản phẩm các loại cho doanh thu hàng tỷ đồng. Ngoài ra, tôi đã dạy nghề, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động. Vào thời gian sản xuất cao điểm có khoảng 50 – 60 công nhân làm việc tại xưởng.
Anh Phạm Ngọc Hoàng, xã Mê Linh (Đông Hưng) cho biết: Kể từ ngày anh Lang mở xưởng sản xuất, tôi đã được anh tạo điều kiện vào làm việc đến nay đã 6 năm. Anh Lang luôn hỗ trợ, hướng dẫn chúng tôi trong quá trình triển khai công việc. Với mức lương ổn định, tôi có nguồn thu nhập để chăm lo cho gia đình.
“Tôi mong muốn thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ tạo hành lang pháp lý phù hợp đưa sản phẩm nông nghiệp ra thế giới; đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả” – anh Lang chia sẻ thêm.
Sản phẩm máy cấy của anh Phạm Văn Lang (người bên trái), xã Lô Giang (Đông Hưng) chinh phục thành công thị trường nước ngoài.
Vẽ sắc xuân xanh
Những sắc màu rực rỡ của hoa, cây cảnh cùng không khí lao động hăng say của bà con xã Bách Thuận (Vũ Thư) những tháng cuối năm dường như đang mang mùa xuân về thật gần. Cùng chung với nhịp sống hối hả của làng nghề, anh Phạm Bá Vịnh, thôn Liên Hồng cũng bận rộn tay kìm, tay kéo thổi hồn cho cây cảnh.
Theo anh Vịnh, nghề làm cây cảnh rất công phu, đòi hỏi người làm phải có tâm với nghề, có sự am hiểu về các loại cây cảnh. Cùng với đó, người làm phải có niềm đam mê nghệ thuật mới có thể tạo ra những tác phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế cao.
Anh Vịnh chia sẻ: Sinh ra ở làng nghề nên ngay từ khi còn bé hầu hết ai cũng biết làm cây cảnh. Nhưng đến năm 1991, tôi mới bắt đầu đầu tư mua cây xanh về để phát triển mô hình. Mỗi cây sẽ được chăm sóc kỹ càng, được cắt tỉa và uốn theo con mắt nghệ thuật của người thợ. Nghề làm cây cảnh được coi là “môn nghệ thuật sống” nên các công đoạn chăm sóc rất cầu kỳ, cần sự chính xác cao. Mỗi nhát cắt là sự tính toán, sắp đặt kỹ càng của người thợ. Bởi chỉ cần 1 lần cắt sai, người thợ sẽ phải chờ cây phát triển lại trong vài tháng, thậm chỉ cả năm. Giá trị của cây phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhiều cây có giá hàng trăm triệu đồng. Hiện tại, tôi đang trồng khoảng 1,7 mẫu cây xanh, cây cảnh với 120 cây đại có giá trị kinh tế cao và các loại cây trung, cây mini. Năm 2023, tôi có sản phẩm cây “Mẫu tử” được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Khách đến với chúng tôi không chỉ để mua cây mà còn để ngắm cảnh, trò chuyện. Đó cũng là cơ hội để chúng tôi có dịp quảng bá, giới thiệu nét văn hóa, con người Bách Thuận đến với khách thập phương.
Ông Trịnh Xuân Hiểu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bách Thuận cho biết: Làng vườn Bách Thuận đến nay đã có gần 250 năm tuổi với 120ha chuyên canh hoa, cây cảnh. Nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh đạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Anh Phạm Bá Vịnh là một trong những nghệ nhân của làng. Họ đang cùng nhau nỗ lực gìn giữ, phát huy và đưa giá trị tinh hoa làng nghề ngày càng phát triển.
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá: Nông dân Thái Bình đã và đang phát huy tốt sức sáng tạo, dám nghĩ dám làm với nhiều mô hình độc đáo, hiệu quả, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh nhà ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, đổi mới. Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Cùng với đó, hội nông dân các cấp triển khai tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho hội viên nâng cao trình độ, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Năm 2024, toàn tỉnh có trên 230.300 hộ nông dân đăng ký phấn đấu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 79,16% so với tổng số hội viên nông dân trong toàn tỉnh. Qua bình xét có trên 180.240 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Không chỉ hăng say làm giàu, hội viên nông dân trong tỉnh còn phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong năm qua, hội viên nông dân đã đóng góp trên 37,6 tỷ đồng, trên 25.150 ngày công lao động, hiến trên 158.240m2 đất xây dựng công trình công cộng; làm mới, sửa chữa trên 1.740km đường giao thông nông thôn. Nhờ đó diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc, văn minh, hiện đại.
Nguyễn Triệu
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/217138/chan-lam-tay-bun-ve-mua-xuan