Đó là một trong những yêu cầu của đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đối với các cấp, các ngành, địa phương trong công tác ứng phó với lũ khi đi kiểm tra hệ thống đê tuyến Hữu Trà Lý và Tả Hồng Hà 2 thuộc địa bàn thành phố Thái Bình và huyện Vũ Thư vào chiều ngày 10/9.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với lũ tại điểm xung yếu kè Súy Hãng, xã Minh Lãng (Vũ Thư).
Cùng đi có đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đoàn đã đến kiểm tra thực địa tại kè Súy Hãng, xã Minh Lãng; điếm Phù Sa, xã Tự Tân; khu vực đê bao, đê bối thôn Thái Sa, xã Vũ Vân của huyện Vũ Thư. Đây là những điểm đê xung yếu rất đáng quan ngại khi lũ đang có diễn biến phức tạp trên sông Trà Lý và sông Hồng Hà.
Sau khi nghe lãnh đạo huyện, địa phương báo cáo các kịch bản phương án ứng phó và công tác chuẩn bị nhận lực, vật tư, phương tiện phục vụ hộ đê, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương các địa phương đã tích cực vào cuộc, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai, lũ lụt.
Video: 100924_-_DONG_CHI_BI_THU_KIEM_TRA_DE.mp4?_t=1725970434
Tuy nhiên, đứng trước nguy cơ cao xảy ra lũ lụt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, mỗi người dân cần bình tĩnh nhưng không được chủ quan, tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện, chủ động mọi phương án ứng phó với các tình huống lũ lụt. Phải sẵn sàng từ công tác lãnh đạo chỉ đạo đến triển khai thực hiện, đặc biệt là tại từng điểm xung yếu, từng địa bàn địa phương đều phải được đề cao và thực hiện trong mọi tình huống.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh nghe lãnh đạo xã Vũ Vân (Vũ Thư) báo cáo công tác chuẩn bị ứng phó với các tình huống lũ tại địa bàn thôn Thái Sa.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với lũ tại điếm Phù Sa, xã Tự Tân (Vũ Thư).
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Phương châm phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân làm hàng đầu; trong đó giữ vững đê quốc gia, tiếp theo tùy từng cấp độ đê, có biện pháp bảo vệ phù hợp. Huyện, xã, thôn cần phát huy kinh nghiệm nghìn đời của ông cha về chống lũ, vừa chấp hành sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện, đồng thời có những giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, đặc điểm từ quãng đê. Tất cả phải thực hiện nghiêm công tác ứng trực 100% quân số liên tục ngày đêm, theo dõi nắm bắt, cập nhật đầy đủ thông tin, tình hình lũ, nhất là tại địa bàn quản lý, các biểu hiện nguy cơ của công trình đê điều để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Phát huy tinh thần chủ động trong phạm vi trách nhiệm, khả năng của mình để giải quyết, xử lý ngay lập tức khi xảy ra tình huống xấu, đồng thời báo cáo lên cấp trên để được hỗ trợ ứng phó, ứng cứu nếu cần thiết. Cán bộ lãnh đạo ở các cấp phải quyết đoán, quyết liệt, chủ động, dám quyết định mọi biện pháp ứng phó thiên tai. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, hợp tác và có biện pháp quyết liệt di dời người dân ở vùng nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn theo trật tự, nhanh nhất, không để xảy ra hỗn loạn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu UBND tỉnh và các huyện sẵn sàng phương án cấp, xuất nguồn lực từ kinh phí mua sắm vật tư đến chủ động hậu cần, thuốc men để nếu có tình huống xấu nhất xảy ra vẫn bảo đảm người dân không bị đói rét, không để xảy ra cô lập địa bàn.
Nước lũ trên sông Hồng lên nhanh làm ngập nhiều diện tích lúa và hoa màu cùng bãi sông của người dân thôn Thái Sa, xã Vũ Vân (Vũ Thư).
Khắc Duẩn
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/1/207649/bang-moi-gia-phai-bao-dam-an-toan-tinh-mang-cho-nguoi-dan-trong-tinh-huong-khan-cap