Trong năm 2024 và hai tháng đầu năm 2025, không có báo cáo từ các địa phương trong tỉnh ghi nhận trường hợp gia cầm ốm, chết nghi mắc bệnh Cúm gia cầm (CGC). Tuy nhiên nguy cơ bệnh CGC phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao. Để chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh CGC, các loài động vật mẫn cảm, đặc biệt không để trường hợp người bị nhiễm, tử vong vì bệnh CGC trong thời gian tới và giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, ngày 21/2/2025, UBND tỉnh ban hành Công văn số 648/UBND-NNTNMT đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh CGC đề
UBND huyện, thành phố ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các kế hoạch của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh CGC giai đoạn 2019 – 2025, phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2025. Rà soát, tổ chức tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh CGC cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng. Tổ chức tốt việc giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi rút CGC, các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch CGC. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin CGC cho đàn gia cầm. Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm từ gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm. Tổ chức thông tin, tuyền truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh; vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các bệnh pháp phòng, chống dịch bệnh; báo cáo dịch bệnh theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát lưu hành vi rút CGC năm 2025, lấy mẫu gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh CGC, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao (các điểm, cơ sở buôn bán, nơi tập kết, điểm giết mổ gia cầm…) để kịp thời cảnh báo nguy cơ và hướng dẫn các biện pháp xử lý dịch bệnh theo quy định. Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh CGC, xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh; tăng cường truyền thông để người dân không tham gia buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; phối hợp xử lý và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo thẩm quyền. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh CGC, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh,…; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh CGC. Chủ động báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh CGC trên Hệ thống Quản lý thông tin dịch bệnh động vật (VAHIS).
Sở Công Thương, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện, thành phố tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh CGC trên địa bàn; tăng cường, kiểm tra, xử lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trái pháp luật, nhất là xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vào địa bàn tỉnh.
Sở Y tế tăng cường chỉ đạo, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm Cúm A/H5N1, A/H5N6 và các loại CGC khác trên người; triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm để cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để không để dịch lây lan; sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân, đảm bảo đủ cơ số trang thiết bị y tế thuốc và hoá chất thiết yếu phụ vụ công tác phòng, chống dịch; khuyến cáo người dân phòng, chống dịch CGC lây nhiễm từ gia cầm sang người.
Sở Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã được UBND tỉnh ban hành bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm trên gia cầm.
Nguồn: https://thaibinh.gov.vn/tin-tuc/tin-kinh-te/tang-cuong-cong-tac-phong-chong-dich-benh-cum-gia-cam.html