Trong quá trình giao lưu, hội nhập, tiếp biến văn hóa hiện nay, tỉnh Thái Bình – nơi hội tụ và lan tỏa các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ sớm quan tâm bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến. Đặc biệt, phải kể đến sự tham gia tích cực của Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Thái Bình. Suốt 55 năm qua, Chi hội quy tụ những nhà nghiên cứu tâm huyết với văn hóa dân gian góp phần khẳng định giá trị đặc sắc riêng có của mảnh đất và con người Thái Bình.
Hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Thái Bình trao đổi thông tin nghiệp vụ.
Trăn trở với văn hóa dân gian
Năm 1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn vô cùng ác liệt, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam được thành lập. Đến năm 1970, Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Thái Bình là một trong những chi hội sớm được ra đời trên cả nước.
Là hội viên cao tuổi nhất trong Chi hội hiện nay, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh vẫn ngày ngày miệt mài với nghiệp viết. Ông là 1 trong 2 hội viên Chi hội đã có khoảng 10 cuốn sách được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xuất bản. Ngoài ra còn có nhiều tập sách về Thái Bình mà ông trực tiếp chủ biên, chắp bút. Trăn trở với những nghiên cứu về lễ hội, làng nghề, hương ước, quy ước… mọi mặt trong đời sống xã hội khắp các làng quê, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh cho biết ông còn những tập bản thảo đã hoàn thiện nhưng chưa có cơ hội được gửi đến công chúng. Niềm tự hào của ông là các thành viên trong Chi hội hiện nay đều được đào tạo bài bản hơn thế hệ của mình, đây là cơ sở vững chắc cho sự phát triển của những nghiên cứu sau này.
Từ niềm đam mê và nỗ lực, Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Thái Bình với số ít hội viên nhưng đã có nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao ở trong và ngoài tỉnh. Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian địa phương trong Chi hội diễn ra thường xuyên, liên tục. Những năm gần đây, hội viên Chi hội tích cực tham mưu và có nghiên cứu chuyên sâu góp phần vào thành công các cuộc hội thảo như: hội thảo khoa học quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo, hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”; ngoài ra, đã phối hợp hoàn thiện nhiều công trình nghiên cứu như bộ sách “Từ điển Thái Bình” (2 tập, mỗi tập trên 1.000 trang); cuốn sách “Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu tỉnh Thái Bình” giới thiệu 13 di sản đã được UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh; tài liệu giáo dục địa phương Thái Bình…
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhận định: Sức lao động, giá trị chất xám trong nghiên cứu, sưu tầm dịch thuật của các hội viên Chi hội đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dân gian tỉnh Thái Bình là rất lớn. Trong đó nổi bật là công tác nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật, công bố các công trình nghiên cứu về lịch sử văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương. Đã có rất nhiều lễ hội lớn, mang bản sắc văn hóa của tỉnh có công sức viết kịch bản chương trình nghệ thuật khai hội cũng như tham gia đóng góp ý kiến vào công tác quản lý, tổ chức lễ hội của các nhà nghiên cứu trong Chi hội.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá: Chi hội tại Thái Bình là một trong những chi hội có hoạt động sưu tầm, nghiên cứu rất sâu về văn hóa dân gian không chỉ của Thái Bình mà còn cả khu vực xung quanh. Từ những năm 80 của thế kỷ trước cho đến nay, chúng tôi vẫn luôn đánh giá rất cao các nhà nghiên cứu với công trình bài bản, công phu.
Tạo nguồn cho thế hệ kế cận
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, khó khăn lớn hiện nay của Chi hội tại Thái Bình cũng giống với các chi hội trên toàn quốc là số lượng hội viên không nhiều vì tiêu chí được kết nạp vào hội tương đối khắt khe như phải là người hoạt động trong lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu phổ biến, truyền dạy văn hóa văn nghệ dân gian; phải có ít nhất từ 2 – 3 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trung ương hoặc công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian… Trong nhiệm kỳ tới, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đang nghiên cứu việc mở rộng kết nạp hội viên là các nghệ nhân dân gian đã được vinh danh, những người trực tiếp thực hành, gìn giữ và có vai trò quan trọng đối với việc phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương.
Riêng với Chi hội tại Thái Bình, với số lượng hội viên không nhiều, để tiếp tục phát triển nguồn hội viên trong thời gian tới, hiện nay, Chi hội khuyến khích sự tham gia tích cực của các cộng tác viên trong nghiên cứu, dịch thuật… Từ đó, thiết thực tạo nguồn lực về con người góp phần phát huy sức mạnh văn hóa truyền thống trong xã hội đương đại.
Về mục tiêu hoạt động trong thời gian tới của Chi hội, Tiến sĩ Trần Hồng Hoa, Chi hội trưởng Chi hội thông tin thêm: Chi hội sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giá trị, vai trò của văn hóa, văn nghệ dân gian trong phát triển văn hóa, góp phần hoàn thành thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp về lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hơn nữa các hoạt động của Chi hội trong thực hành văn hóa, văn nghệ dân gian ở các địa phương.
Dưới nhiều hình thức khác nhau, hoạt động của Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Thái Bình đã không chỉ góp phần vào việc nhận diện, khơi dậy tiềm năng, tiềm lực về sáng tạo văn hóa của vùng đất, con người nơi đây, xây dựng đời sống văn hóa mỗi địa phương mà còn có những đóng góp đáng ghi nhận vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của cả nước.
Trưng bày sách văn hóa dân gian Thái Bình do hội viên Chi hội biên soạn.
Tú Anh
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/218601/bao-ton-van-hoa-van-nghe-dan-gian-trong-xa-hoi-duong-dai