Bà Trần Thị Huệ, Chủ tịch Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định cho biết: Địa phương hiện có gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu, trong đó quần thể Phủ Dầy (huyện Vụ Bản) với hơn 20 công trình đền, đình, phủ, tiêu biểu như: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu Liễu Hạnh, được coi là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Nghi lễ chầu văn, một phần cốt lõi của tín ngưỡng này, đã phát triển mạnh tại Nam Định từ thế kỷ XVII, lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành phố khác. Chầu văn là kho tàng văn hóa dân gian phong phú, kết hợp huyền thoại, truyền thuyết và các giá trị đạo đức, ca ngợi công trạng của các nhân thần, thiên thần. Từ nghi lễ này hình thành nghệ thuật hát văn và hầu đồng, hòa quyện các lớp diễn xướng, dân ca, dân vũ trên nền nhạc cụ truyền thống, tái hiện hình tượng các vị Thánh sống động và đầy sức hút.
Thời gian qua, Hội Bảo vệ và Phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định đã tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, trưng bày, triển lãm, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh xã hội hóa tạo nguồn lực bảo đảm cho các hoạt động, trong đó có hỗ trợ hội viên thực hành, trao truyền di sản theo đúng nghi thức cổ truyền và quy định của pháp luật; đấu tranh, phê phán những hành động làm sai lệch, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của di sản; đề xuất với các cơ quan nhà nước các giải pháp nâng cao công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa.
Cùng với di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, tỉnh Nam Định tự hào là vùng đất lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt như: Nghệ thuật hát Ca trù, từng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Phở Nam Định, một biểu tượng ẩm thực nổi tiếng, đã vượt ra khỏi ranh giới địa phương để trở thành thương hiệu quốc gia; nghề sơn mài Cát Đằng là nghề thủ công truyền thống độc đáo được trao truyền qua nhiều thế hệ…
Bên cạnh đó là các lễ hội truyền thống nổi tiếng, giàu giá trị lịch sử và văn hóa, góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần của nhân dân và khẳng định bề dày truyền thống văn hóa của vùng đất Nam Định như: Lễ hội Đền Trần, chùa Keo Hành Thiện, chùa Đại Bi, Thái Bình Xướng Ca…, tái hiện sống động những phong tục, tập quán lâu đời, đồng thời truyền tải các giá trị nhân văn và tinh thần gắn kết cộng đồng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định, cùng với cộng đồng dân cư thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản, từ năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”; lồng ghép trong quy hoạch phát triển du lịch, văn hóa và di sản của tỉnh, góp phần thực thi nhiệm vụ trong Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể mà Chính phủ cam kết với UNESCO sau khi di sản được ghi danh.
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của Nam Định thực hiện nhiều dự án nghiên cứu và tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể. Tiêu biểu như sưu tầm tài liệu về nghi lễ Chầu văn; quy trình chế tác sơn mài; nguồn gốc và sự phát triển của phở Nam Định; ngành văn hóa phối hợp ngành giáo dục truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ thông qua các chương trình giảng dạy tại trường và các buổi học ngoại khóa tại các di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng tỉnh…
Bên cạnh đó, việc tôn vinh và hỗ trợ nghệ nhân cũng được đặc biệt quan tâm; qua ba lần tổ chức xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh Nam Định đã có 13 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng các danh hiệu.
Theo bà Trần Thị Huệ, Chủ tịch Hội Bảo vệ và Phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định, các nghệ nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thực hành và truyền dạy di sản, được đề xuất kịp thời xét tặng danh hiệu nghệ nhân là động lực để các nghệ nhân tiếp tục cống hiến và góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nam Định.
Nguồn: https://nhandan.vn/chung-tay-bao-ve-phat-huy-di-san-van-hoa-phi-vat-the-post856047.html