Năm 1959, theo quyết định của Ủy ban hành chính tỉnh, Đội Văn công nhân dân Thái Bình được thành lập, là cái nôi để nghệ thuật chèo chuyên nghiệp của tỉnh được ươm mầm, phát triển. Qua 65 năm xây dựng, trưởng thành, từ Đội Văn công thành Đoàn Chèo, rồi Nhà hát Chèo như hiện nay, các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, người lao động Nhà hát Chèo không chỉ góp phần khẳng định vị thế của một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp mà còn thiết thực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc đang được đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để hiểu hơn về chặng đường 65 năm gìn giữ, làm rạng rỡ tinh hoa nghệ thuật chèo, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Thái Bình lan tỏa nghệ thuật truyền thống tại lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024.
Phóng viên: Xin ông chia sẻ về quá trình 65 năm hình thành và phát triển của Nhà hát Chèo Thái Bình?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Xưa và nay, nghệ thuật chèo đã gắn bó sâu đậm với đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Thái Bình. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với niềm vui “sáng rối, tối chèo” vào những dịp hội hè, lễ tết của người dân, nhiều làng chèo, gánh chèo của Thái Bình đã được sử sách lưu danh. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, trong hoạt động tuyên truyền xây đời sống mới và cổ vũ công cuộc “kháng chiến kiến quốc”, không ít nghệ nhân trong các gánh chèo đã tích cực tham gia tuyên truyền, cổ động, cổ vũ tinh thần yêu nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị bằng nghề chèo của mình. Khi Đội Văn công nhân dân Thái Bình được thành lập, các thành viên góp mặt thuở ấy đều là hạt nhân văn nghệ được huy động từ khắp mọi miền quê để phục vụ tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt vào những năm đầu triển khai phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Từ hiệu quả công tác tuyên truyền, năm 1967, Ủy ban hành chính tỉnh quyết định nâng cấp Đội Văn công nhân dân thành Đoàn Chèo. Trong phong trào “tiếng hát át tiếng bom” tại địa phương và tiếp đến là đội văn công xung kích vào phục vụ tiền tuyến, các nghệ sĩ chèo Thái Bình đã hăng hái tình nguyện tham gia. Sau ngày đất nước thống nhất, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân, mỗi năm Đoàn Chèo biểu diễn hàng trăm buổi ở khắp các làng, xã trong tỉnh và ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nghệ sĩ Thái Bình đã có nhiều chương trình biểu diễn đưa nghệ thuật chèo đến với bạn bè quốc tế. Trong các chuyến lưu diễn dài ngày ở châu Âu, Nhật Bản, những vở chèo kinh điển như “Quan âm Thị Kính”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Tống Trân Cúc Hoa”… với sắc thái riêng có của chèo Thái Bình đã được đông đảo bạn bè, khán giả quốc tế mến mộ. Được sự quan tâm động viên, đầu tư về mọi mặt của tỉnh, sự nỗ lực vươn lên khắc phục mọi khó khăn, khẳng định niềm đam mê, tâm huyết với nghệ thuật cổ truyền của các nghệ sĩ, Đoàn Chèo từng bước khẳng định được vị thế của đơn vị nghệ thuật xuất thân từ đất chèo, là cơ sở để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết ngày 8/3/1997 xác định “Từng bước phấn đấu đưa Đoàn Chèo Thái Bình thành đoàn nghệ thuật có tầm cỡ quốc gia”.
Ngày 26/12/2003, UBND tỉnh ban hành quyết định nâng cấp Đoàn Chèo thành Nhà hát Chèo. Ngày 9/5/2019, Đoàn Cải lương, Đoàn Ca múa kịch được sáp nhập vào Nhà hát Chèo, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội trên chặng đường mới; khắc phục những khó khăn và tiếp tục phát huy niềm đam mê nghệ thuật của các nghệ sĩ phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh ngày càng đạt hiệu quả thiết thực hơn.
Phóng viên: Xin ông chia sẻ những kết quả trong công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật chèo tại sân khấu chuyên nghiệp?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà hát Chèo đã đạt được rất nhiều thành tích đáng tự hào trong công cuộc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quý báu của cha ông. Với công chúng yêu chèo ở trong và ngoài nước, qua hàng vạn buổi diễn, hàng trăm vở chèo dài và sử thi, hàng nghìn ca cảnh, ca khúc chèo với đủ loại chủ đề khác nhau, nghệ sĩ “quê lúa” đã góp phần làm rạng rỡ và lan tỏa tinh hoa nghệ thuật cổ truyền. Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo còn là nơi phát hiện, ươm gieo những hạt mầm, đào tạo tài năng chèo để trở thành diễn viên, nhạc công mang tố chất chèo Thái Bình, từ nơi đây tỏa đi hoạt động ở hầu khắp các nhà hát chèo và đoàn chèo chuyên nghiệp trong cả nước. Ghi nhận thành tích và đóng góp to lớn của các thế hệ nghệ sĩ Nhà hát, vào các kỳ hội thi, hội diễn toàn quốc đều có những huy chương vàng, bạc dành cho tiết mục và cá nhân diễn viên, nhạc công. Đến nay, Nhà hát Chèo đã có 7 nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, 24 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, cho thấy sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các sở, ngành đối với hoạt động chuyên môn của Nhà hát. Đồng thời, thành tích đã đạt được không chỉ là niềm tự hào của Nhà hát Chèo, cá nhân các nghệ sĩ mà còn thể hiện đóng góp rất đáng trân trọng của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đối với lĩnh vực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong hơn nửa thế kỷ qua.
Vở chèo dân gian “Giữa hai dòng trong đục” do nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo thể hiện.
Phóng viên: Song song với thành tích đã đạt được, sân khấu truyền thống cũng đang gặp không ít khó khăn. Xin ông chia sẻ về định hướng phát triển của Nhà hát Chèo để góp phần làm rạng rỡ nghệ thuật truyền thống?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Những thập niên gần đây, nghệ thuật sân khấu truyền thống trên cả nước nói chung, nghệ thuật chèo tại Thái Bình nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức đối với sự phát triển bền vững. Song song với lý do khách quan là những thay đổi trong thị hiếu của khán giả trẻ, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin khiến cho ngày càng có nhiều loại hình giải trí du nhập, phải thừa nhận sân khấu chèo đang thiếu những kịch bản hay về đề tài hiện đại. Bên cạnh đó, trong xu thế thị trường hiện nay, nguồn lực và cơ chế chưa phù hợp để giữ chân tài năng trẻ cũng như đáp ứng sức sáng tạo của người nghệ sĩ; thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng…
Nghệ thuật chèo Thái Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 1/4/2024, với niềm tự hào của người dân quê lúa và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, hồ sơ nghệ thuật chèo do tỉnh Thái Bình chủ trì xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, đệ trình UNESCO xem xét ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để giữ gìn giá trị nghệ thuật chèo truyền thống do thế hệ cha ông để lại và trao truyền, những định hướng phát triển đã được đặt ra cho Nhà hát Chèo trong những giai đoạn tiếp theo để xứng tầm với truyền thống, ngang tầm với nhu cầu, thị hiếu ngày cao của công chúng:
Một là, đa dạng hóa các hình thức hoạt động nghệ thuật theo phương châm đáp ứng kịp thời, phục vụ tốt nhất nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu của công chúng. Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của tỉnh về bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật chèo. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ nghệ sĩ; củng cố mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong tập thể của Nhà hát.
Hai là, tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, đào tạo và bồi dưỡng tài năng nghệ thuật trẻ về chèo đang tiềm ẩn ở các địa phương trong tỉnh; đầu tư cơ sở vật chất cho Nhà hát nhằm tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghệ thuật. Quan tâm chăm lo bảo đảm tốt đời sống cho các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát, nhất là các nghệ sĩ trẻ để mọi thành viên đồng sức, đồng lòng gắn bó với hoạt động bảo tồn, phát huy nghệ thuật cổ truyền.
Ba là, chuyên nghiệp hóa hoạt động dàn dựng, biểu diễn của Nhà hát đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, hiện đại của nghệ thuật. Kết hợp hài hòa giữa việc dàn dựng chương trình nghệ thuật tham gia cuộc thi, hội diễn toàn quốc với hoạt động bảo lưu, nâng cao chất lượng chương trình đã có của Nhà hát. Sáng tác, dàn dựng chương trình mới cần quan tâm ưu tiên đề tài về đất và người Thái Bình, đặc biệt là những chủ đề mang hơi thở cuộc sống đương đại.
Bốn là, quan tâm cử cán bộ tham gia đào tạo đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hát, múa cho diễn viên Nhà hát. Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả việc xã hội hóa các hoạt động của Nhà hát. Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Nhà hát cần tranh thủ nguồn lực từ các nhà tài trợ cho dàn dựng chương trình và biểu diễn nghệ thuật.
Năm là, xây dựng chương trình và kế hoạch chuyển đổi số của Nhà hát. Số hóa và bảo lưu các vở chèo, đặc biệt là chèo cổ và tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật chèo tới đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Tự hào về truyền thống 65 năm xây dựng, phát triển của chèo chuyên nghiệp Thái Bình nói chung, Nhà hát Chèo nói riêng, tin tưởng trên chặng đường mới, các thế hệ nghệ sĩ sẽ trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các loại hình nghệ thuật, góp phần làm rạng rỡ nghệ thuật chèo trên đất chèo, thiết thực để loại hình nghệ thuật cổ truyền này sớm được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chương trình nghệ thuật của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo trong dịp đầu xuân mới.
Tú Anh (thực hiện)
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/214707/gin-giu-rang-ro-tinh-hoa-nghe-thuat-o-que-lua-dat-cheo