Hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2015, xã An Thanh (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) tiếp tục bứt phá vươn lên trong công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là địa phương có những cách làm sáng tạo, đổi mới tư duy trên tinh thần vượt khó và phát huy nội lực.
Trường tiểu học và trung học cơ sở An Thanh (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) được đầu tư xây dựng khang trang với số vốn khoảng 25 tỷ đồng. |
So với các địa phương khác trong huyện Quỳnh Phụ, An Thanh là xã nhỏ, chỉ có quy mô dân số khoảng hơn 5.000 nhân khẩu, lại nằm xen kẹp với hai địa phương có lợi thế phát triển tốt hơn là xã An Mỹ và thị trấn An Bài. An Thanh cũng là một trong số ít xã trên địa bàn không có chợ. Những yếu tố nêu trên đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều trăn trở, nghĩ suy khi muốn nâng tầm thành nông thôn kiểu mẫu. Vấn đề mấu chốt vẫn là phải làm sao huy động đủ nguồn lực và tạo ra sự đồng thuận xã hội ở mức cao nhất trong toàn hệ thống chính trị, nhất là được người dân ủng hộ. Ông Nguyễn Văn Nhiễm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Phụ cho biết: “Chúng tôi đặt niềm tin và kỳ vọng lớn vào An Thanh bởi đội ngũ lãnh đạo đoàn kết, dám nghĩ dám làm, có tư duy đổi mới và có khát vọng vươn lên. Tất nhiên, ngoài sự nỗ lực của địa phương thì tỉnh, huyện cùng đồng hành và hỗ trợ một phần, tạo cú huých để nơi đây trở thành hình mẫu mới trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”.
Đồng chí Chu Công Dượng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Thanh cho biết: “Địa phương dù lo lắng về nhiều rào cản nhưng xác định khó cũng phải làm, và nếu thành công sẽ tạo động lực rất lớn cho cán bộ, đảng viên và người dân”. Ngoài khó khăn, bất lợi, An Thanh cũng có những điểm lợi thế mà các xã khác không có được: Nằm rất sát Khu công nghiệp Cầu Nghìn, trong đó riêng Nhà máy Thép đặc biệt Shengli Việt Nam do Trung Quốc đầu tư đang thu hút khoảng 500 lao động trong xã làm việc với mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, An Thanh cũng là một trong ít xã, thị trấn ở Quỳnh Phụ có nguồn lao động lớn đi xuất khẩu lao động đem về nguồn ngoại tệ không nhỏ cho địa phương. Người tham gia làm việc ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) thường có mức lương khoảng 30-40 triệu đồng/người/tháng, còn ở thị trường Hàn Quốc thậm chí cao hơn, luôn duy trì ở mức từ 50-60 triệu đồng/người/tháng. Với quy mô dân số toàn xã chỉ khoảng 5.000 nhân khẩu, nếu tính về mức thu nhập bình quân đầu người thì An Thanh luôn ở ngưỡng hơn 80 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng quê này theo tiêu chí mới còn 0,72%, tức là toàn xã chỉ có 12 hộ nghèo.
Nói về điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở An Thanh không thể không nhắc đến phong trào hiến đất làm đường. Thời gian qua, toàn xã có khoảng 200 hộ dân tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất để huyện, xã triển khai các dự án hạ tầng. Được biết, tổng diện tích hiến đất ở và đất nông nghiệp ngót nghét 30.000 m2, quy ra giá trị hơn 100 tỷ đồng. Có được sự đồng thuận cao của nhân dân chính là sự tập trung lãnh đạo, điều hành tốt từ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Tất cả đều vào cuộc đẩy mạnh việc vận động, tuyên truyền thay đổi nhận thức và hành động trong mỗi người dân, với mục tiêu lớn nhất là bỏ lợi ích cá nhân để được hưởng lợi lớn hơn từ lợi ích chung mang lại. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở An Thanh là triển khai làm trước ở những nơi thuận lợi, có sự ủng hộ cao của nhân dân. Những nơi khó hoặc chưa đồng thuận thì tách ra để vận động với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đích thân đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cũng phải xuống tận nhà làm công tác tư tưởng và vận động, thuyết phục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.
Bây giờ, việc hiến đất làm đường hay rộng hơn là giải phóng mặt bằng ở An Thanh rất thuận lợi, được người dân nhất trí cao. Như vừa qua, việc thu hồi khoảng 80 ha đất nông nghiệp phục vụ cho việc mở rộng Khu công nghiệp Cầu Nghìn, với khoảng 200 hộ dân được thực hiện nhanh gọn trong 20 ngày mà không có khiếu nại hay đơn thư. Gần đây nhất, địa phương tiếp tục thu hồi gần 7.000 m2 đất để có mặt bằng làm trường mầm non. Công việc này cũng diễn ra suôn sẻ khi tất cả 20 hộ dân đều ủng hộ dù đây là diện tích đất đã giao ổn định lâu dài cho họ. Đáng chú ý là việc di dời các ngôi mộ ở nghĩa trang để địa phương xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội. Ở những nơi khác, việc di dời mồ mả thường rất khó khăn, nhưng ở An Thanh, cũng chỉ trong 1 tháng, người dân rất đồng thuận, vui vẻ nhận tiền đền bù, hỗ trợ để di dời khoảng 20 ngôi mộ của các dòng họ đến nơi khác.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương, tất cả người dân theo đạo Thiên chúa ở thôn Mỹ Đức, với hơn 500 nhân khẩu, cũng đồng hành với các hoạt động thi đua do huyện, xã phát động. Mối quan hệ giữa chính quyền và giáo dân luôn gần gũi, chan hòa. Cấp ủy, chính quyền địa phương biết tranh thủ tiếng nói của linh mục, của các vị chức sắc, chức việc, rồi chánh trương, trùm trưởng để ủng hộ và lan tỏa những hoạt động, chủ trương lớn đến cộng đồng giáo dân. Linh mục Trần Văn Khoa cũng luôn cởi mở, hồ hởi tiếp nhận các chương trình, thực hiện các phong trào và truyền thông điệp đến toàn bộ cộng đoàn giáo xứ. Từ đó, chính quyền làm đường tới đâu, giáo dân hiến đất tới đó bởi họ hiểu được lợi ích mang lại khi tập thể đầu tư và cá nhân hưởng thụ.
Đến nay, để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, An Thanh đã huy động nguồn lực khoảng 200 tỷ đồng để hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông trục xã có bề mặt từ 7-9m, có rãnh thoát nước; đường nội đồng trước 3,5m, giờ được nâng lên đến 5m thuận lợi cho cơ giới hóa trong nông nghiệp. Thời gian qua, An Thanh tập trung xây mới 22 phòng học cho trường tiểu học và trung học cơ sở; rồi xây dựng nhà đa năng, nhà hiệu bộ theo đúng quy chuẩn. Tất cả phòng học được lắp điều hòa và đầu tư thiết bị để vận hành những lớp học thông minh. Trường mầm non cũng được đầu tư xây dựng với số vốn khoảng 40 tỷ đồng với quy mô 12 phòng học, cùng khu hiệu bộ, nhà đa năng, nhà ăn. An Thanh cũng đang xây mới trạm y tế với kinh phí 5 tỷ đồng. Tất cả 4 thôn đều được nâng cấp hoặc xây mới nhà văn hóa khang trang, trong đó nhà văn hóa thôn Thượng được xây với kinh phí 6 tỷ đồng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, miền quê này đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP lúa nếp Tam Xuân trên diện tích 70 ha.
Đồng chí Nguyễn Văn Nhiễm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Phụ cho biết: “Từ cách làm nông thôn mới kiểu mẫu ở An Thanh, chúng tôi sẽ đúc kết kinh nghiệm để triển khai ra các địa phương. Tinh thần chung là, xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Đây là một hành trình dài và luôn phải đầu tư, nâng tầm để giữ vững thành quả đạt được, tất cả vì mục tiêu phục vụ nhân dân và nhân dân là đối tượng thụ hưởng” ■
Nguồn: https://thaibinh.gov.vn/tin-tuc/tin-kinh-te/doi-thay-o-an-thanh.html