Năm 2023, nghệ thuật chèo Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2024, hồ sơ nghệ thuật chèo được trình UNESCO xem xét ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong giai đoạn hiện nay, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống, đặc biệt ở phong trào quần chúng, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, nghệ nhân đã có quá trình bền bỉ gắn bó, nghiên cứu về chèo ở trong và ngoài tỉnh.
Hoạt động của các câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng góp phần tạo nên đời sống văn hóa tinh thần sôi nổi cho các tầng lớp nhân dân. Trong ảnh: Buổi biểu diễn của câu lạc bộ chèo làng Khuốc (Đông Hưng).
Bảo tồn chèo từ sự gắn bó mật thiết đời sống nhân dân
Tháng 11/2023, lần đầu tiên tại Thái Bình, hội thảo khoa học quốc tế đã diễn ra với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại”. Hơn 70 tham luận của các học giả trong nước và quốc tế tại hội thảo đã phân tích làm rõ sự xuất hiện, hình thành và phát triển của nghệ thuật chèo qua các thời kỳ lịch sử dân tộc, nhất là giai đoạn hiện nay đang bén rễ, ăn sâu vào các miền quê nông thôn của Thái Bình nói riêng, cả nước nói chung và là sinh hoạt văn hóa truyền thống của quần chúng nhân dân. Cuối tháng 9 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật chèo trên địa bàn tỉnh Thái Bình” với gần 20 tham luận của nhiều học giả.
Trong vai trò chủ tọa hội thảo, là người con quê hương Thái Bình, PGS. TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội với quá trình nghiên cứu văn hóa dân gian trăn trở: Chèo cần được bảo tồn ở các cấp độ: cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các hình thức sinh hoạt quần chúng như các CLB, đội, nhóm và đặc biệt là trong nhân dân. Di sản phải sống trong lòng nhân dân, nhân dân thấy cần thiết thì nhân dân sẽ tham gia, nhân dân sẽ bảo vệ. Có sự phối hợp đồng bộ đối với hoạt động gìn giữ nghệ thuật từ cơ quan chuyên môn đến các tầng lớp nhân dân thì di sản mới có thể phát huy hết giá trị trong đời sống đương đại.
Theo PGS.TS Phạm Quang Long, Đề án phát triển nghệ thuật chèo trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển nghệ thuật chèo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 – 2025, định hưóng đến năm 2030 là những cơ sở quan trọng để nghệ thuật chèo ngày càng được lan tỏa, phát huy.
“Tôi thấy Thái Bình có rất nhiều giải pháp và những giải pháp ấy đủ và cần cho giai đoạn hiện nay nhưng sẽ phải luôn luôn bổ sung, luôn luôn đổi mới, luôn luôn tìm những giải pháp thiết thực hơn nữa vì chèo là loại hình nghệ thuật từ nhân dân mà ra, gắn với đời sống nhân dân. Nghệ thuật chèo tương đối tĩnh còn cuộc sống thì đang vận động, nhu cầu của nhân dân đang ngày càng đổi mới, vì vậy chúng ta phải tìm được quy luật của chèo, nhìn thấy sự vận động của đời sống và đáp ứng được đòi hỏi từ cả hai phía, cả bảo tồn nghệ thuật và nhu cầu của đời sống nhân dân” – PGS.TS Phạm Quang Long nhấn mạnh.
Các thế hệ nghệ sĩ quê lúa gìn giữ, phát huy nghệ thuật chèo.
“Có tích mới dịch nên trò”
Từ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, những năm gần đây, số lượng CLB chèo trên địa bàn tỉnh gia tăng nhanh chóng trên cơ sở kế thừa giá trị nghệ thuật truyền thống.
Theo kiểm kê, có 234 CLB chèo sinh hoạt ở 8 huyện, thành phố, ngoài ra còn có hơn 300 CLB văn nghệ, nghệ thuật dân gian có hát chèo. Tỉnh Thái Bình đề ra mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2022 – 2025 là 100% số CLB chèo đã có trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ về chuyên môn, bổ sung thiết bị, đạo cụ, trang phục để trở thành những mô hình điểm tiêu biểu; đến năm 2030, 100% số thôn, tổ dân phố trong tỉnh có CLB chèo. Thực hiện đề án của tỉnh, hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hạt nhân CLB văn nghệ cơ sở; năm 2023, lần đầu tiên đã tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản tiểu phẩm sân khấu, bài hát chèo đáp ứng nhu cầu làm phong phú thêm chương trình văn nghệ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Gắn bó với nghệ thuật chèo ở phong trào quần chúng, đồng thời là tác giả có tác phẩm đạt giải tại cuộc thi, bà Nguyễn Hồng Vân, nguyên Giám đốc Nhà văn hóa trung tâm tỉnh chia sẻ: Từ khi thiết chế nhà văn hóa thôn, tổ dân phố ngày càng được hoàn thiện, văn nghệ quần chúng ngày càng có địa điểm sinh hoạt thuận lợi thì hát, diễn chèo là món ăn tinh thần không thể thiếu, nhiều CLB cơ sở đã dàn dựng được cả vở chèo, ca cảnh chèo tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, biểu dương gương người tốt việc tốt… rất hiệu quả. Các cụ xưa đã dạy “Có tích mới dịch nên trò”, điều này nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của kịch bản trong nghệ thuật nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng. Tuy nhiên, khó khăn nhất với các CLB chèo hiện nay là lực lượng viết chèo ngày một thưa vắng. Trong khi đó, việc tập huấn, trao truyền về cách viết kịch bản chèo đối với lực lượng văn nghệ không chuyên gần như chưa có. Những tác giả viết chèo phục vụ phong trào quần chúng trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu trưởng thành từ việc tự học. Các liên hoan, hội diễn chèo chủ yếu đánh giá về giọng hát, lối diễn, trang phục… Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động CLB chèo, góp phần gìn giữ, phát huy di sản trong đời sống đương đại, mong rằng sẽ sớm có những chương trình tập huấn cho đội ngũ tác giả không chuyên về cách viết kịch bản sân khấu, ca cảnh, soạn lời bài hát chèo… Đồng thời, ngoài những nghệ nhân, nghệ sĩ đã được nhà nước phong tặng danh hiệu thì những người làm nghệ thuật không chuyên cũng cần được tôn vinh, động viên để tiếp tục nỗ lực cống hiến, trao truyền, bồi dưỡng hạt nhân chèo cho mai sau…
Trong giai đoạn nghệ thuật chèo ngày càng được quan tâm thiết thực như hiện nay, đã có không ít em nhỏ trưởng thành từ phong trào quần chúng đang dần tự tin trên bước đường tiến đến sân khấu chuyên nghiệp. Điều đó làm dấy lên hy vọng về một thế hệ tiếp nối là những đào, kép, hề chèo, nam chính… nổi danh, xuất thân từ quê lúa Thái Bình không chỉ gìn giữ, làm phong phú thêm nghệ thuật truyền thống mà còn đóng vai trò quan trọng nối dài mạch di sản trong đời sống hôm nay.
Tú Anh
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/211704/nghe-thuat-cheo-tren-duong-ghi-danh-the-gioi