Để giải quyết những khó khăn, tồn tại trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh ta xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp là cần thiết; trong đó chú trọng đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng nhân lực tại các trang trại, các hộ tích tụ, tập trung ruộng đất, các nhóm liên kết sản xuất.
Xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) có 207ha chuyên canh rau, giá trị sản xuất đạt 400 – 600 triệu đồng/ha/năm.
Cấy 5ha lúa theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), ông Nguyễn Duy Luân, xã Đông Tân (Đông Hưng) đã dần nhận ra những hạn chế của tập quán sản xuất cũ và những ưu điểm của các quy trình sản xuất mới.
Ông Luân cho biết: Nếu trước kia làm với quy mô nhỏ, thấy lúa sinh trưởng, phát triển kém hơn ruộng bên cạnh là bón thêm phân, đạm. Cuối vụ vừa nhiều sâu bệnh, cây lúa lại dễ gãy đổ hay phun thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không theo khuyến cáo của ngành chuyên môn với suy nghĩ “cẩn tắc vô áy náy”, vừa tăng chi phí vừa ô nhiễm môi trường. Nhưng từ khi được tập huấn về canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi biết quan sát nhận biết dịch hại từ đó sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho hợp lý hay thay thế dần phân bón hóa học sang phân bón vi sinh, vừa tốt cho cây, cho đất vừa giảm được chi phí trong canh tác, nâng cao được năng suất và chất lượng hạt thóc.
Với truyền thống thâm canh rau màu, từ năm 2005, giá trị sản xuất trên một héc-ta đất chuyên canh rau tại xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) đã đạt 50 triệu đồng/ năm. Nhờ tổ chức tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, lựa chọn công thức luân canh, xen canh phù hợp, cập nhật kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nông sản của Quỳnh Hải có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Diện tích chuyên canh rau đã phát triển và mở rộng 207ha, luân canh từ 6 – 7 vụ/năm, giá trị sản xuất đạt 400 – 600 triệu đồng/ha/ năm.
Ông Nguyễn Xuân Khoát, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Người dân Quỳnh Hải có kinh nghiệm sản xuất rau từ những năm 90 của thế kỷ trước. Do đó, những tiến bộ khoa học kỹ thuật được bà con chủ động cập nhật, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Tuy nhiên, đứng trước biến chuyển của xu thế tiêu dùng, để sản xuất bền vững, HTX tuyên truyền, tập huấn để bà con từng bước nhận thức, chuyển đổi từ sản xuất lấy số lượng sang chú trọng chất lượng thông qua các mô hình sản xuất rau an toàn, VietGAP. Từ mô hình thử nghiệm với diện tích 2,3ha đến nay, diện tích sản xuất rau an toàn ở xã Quỳnh Hải mở rộng hơn 8ha.
Để phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thời gian qua bên cạnh việc quy hoạch vùng sản xuất, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, các ngành cùng chính quyền các địa phương đã tiến hành điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của các đối tượng lao động để làm căn cứ xây dựng kế hoạch dạy nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn cũng như nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp…
Sản xuất với quy mô lớn, nhiều hộ sử dụng thiết bị bay không người lái chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa.
Ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà, hàng năm Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông, nông dân nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Từ năm 2013 trở lại đây, Trung tâm đã tổ chức 404 lớp tập huấn cho trên 38.000 lượt người là cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông và nông dân; 250 lớp đào tạo nghề cho 5.407 lao động nông thôn (trong đó có 99 lớp trồng cây lương thực, thực phẩm; 54 lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm và 13 lớp khuyến ngư; 5 lớp dạy nghề sản xuất lúa giống và thương phẩm; 3 lớp dạy nghề sản xuất khoai tây giống và thương phẩm cho lao động nông thôn trong vùng có liên kết sản xuất). Ngoài ra, Trung tâm phối kết hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành, tổ chức các cuộc hội thảo và các chuyến tham quan, khảo sát, học tập trong nước. Nét nổi bật trong công tác đào tạo, tập huấn của khuyến nông Thái Bình đó là đã gắn học lý thuyết với tham quan, thực hành tại mô hình mẫu; sử dụng phương pháp tập huấn tại hiện trường, lớp học được tổ chức ngay tại hộ gia đình, tại ruộng, ao, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Được hướng dẫn thực hành theo cách “cầm tay chỉ việc” nên nông dân tiếp cận dễ dàng, dễ nhớ, dễ áp dụng và nhớ lâu hơn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn được nâng lên rõ rệt; đã gắn với xây dựng nông thôn mới, gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động sang hướng công nghiệp và dịch vụ; năng suất lao động ở khu vực nông thôn không ngừng được nâng cao.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả sản xuất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; nhiều HTX nông nghiệp chưa khẳng định được vai trò dẫn dắt, tổ chức cho các hộ nông dân hợp tác, liên kết trong sản xuất và kết nối với chế biến, tiêu thụ; thiếu vắng các doanh nghiệp lớn làm đầu tàu và định hướng cho chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Để giải quyết điểm nghẽn, khó khăn trên, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp là hết sức cần thiết. Trong đó chú trọng cơ chế, chính sách đẩy mạnh đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, trước hết là hỗ trợ nâng cao năng lực trong công tác quản lý, chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ của các HTX; thúc đẩy việc thành lập các HTX kiểu mới chuyên ngành, chuyên lĩnh vực. Đổi mới môi trường sản xuất, kinh doanh, có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp đặc biệt là nhân lực tại các trang trại, các hộ tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn.
Thanh Thuỷ
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/208909/nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-trong-nong-nghiep