Vịnh Cam Ranh được bán đảo Cam Nghĩa kéo dài thành một vòng cung, ôm trọn phía đông bắc và đảo lớn Bình Ba án ngữ phía đông. Trong khi đó, bán đảo Bình Lập như một chiếc sừng tê giác chĩa lên từ phía nam, chia vịnh Cam Ranh thành hai nửa: phần vịnh bên trong (phía tây) kín đáo với một cửa thông ra ngoài, được gọi là Cửa Hẹp, tạo bởi mũi Sộp phía đông bắc của Bình Lập và mũi Hòn Lang phía tây nam của Cam Nghĩa; phần vịnh bên ngoài (phía đông) nhỏ hơn, những cũng phẳng lặng, sâu thẳm và kín đáo, được bao bọc bởi Bình Lập, Cam Nghĩa và đảo Bình Ba, thông ra biển Đông bằng cửa Lớn ở phía đông nam, và cửa Bé ở phía đông.
Bình Lập là bán đảo, nhưng nó cũng biệt lập gần như một hòn đảo, bởi địa thế đặc biệt nằm chìa ra giữa vịnh Cam Ranh. Muốn đến được Bình Lập bằng đường bộ, phải chạy vòng xuống phía nam thành phố Cam Ranh, rẽ ra hướng biển rồi vòng ngược lên phía bắc một lần nữa, bởi vậy cư dân ở Bình Lập thường qua “đất liền” bằng thuyền cho thuận tiện. Vì những cách trở về vị trí và giao thông như vậy mà Bình Lập hiện vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ và sự trong lành của thiên nhiên ban tặng.
Khu vực tương đối bằng phẳng và nhỏ hẹp này nằm gần như ngang giữa chiếc “sừng tê giác”: phía tây là một vũng biển nhỏ ăn sâu vào như một chữ U khổng lồ tựa lưng vào đảo, phía đông là bãi Ngang (bãi biển chính của Bình Lập), một bãi cát trắng phau dài hàng trăm mét hơi cong cong, nhìn thẳng sang đảo Bình Ba và Cửa Lớn của vịnh Cam Ranh. Được che chắn kín đáo, mặt biển nơi đây trong xanh như ngọc và rất phẳng lặng. Những lồng nuôi hàu được thả dưới mặt nước, neo bằng các phao nổi, xếp thành từng hàng dài thẳng tắp, nhìn như những đoàn xe goòng màu xanh chở đầy sản vật từ biển. Đan xen vào đó là các bè nuôi hải sản khiến ta liên tưởng tới những nhà ga trên biển. Thuyền, thúng của các ngư dân neo đậu bập bềnh trên mặt nước trong vắt, nhìn từ trên cao như những món đồ chơi sinh động và đẹp mắt.
Tạp chí Heritage