Sau bão số 3, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, các đợt mưa lớn gây ngập úng dẫn đến nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Để bảo đảm an toàn trong chăn nuôi, ngành chuyên môn và các hộ dân đang tập trung xử lý môi trường, giám sát và phòng, chống dịch bệnh.
Cán bộ chuyên môn Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra hoạt động của trang trại chăn nuôi xã Bách Thuận (Vũ Thư).
Quỳnh Phụ là địa phương có nhiều gia súc, gia cầm bị chết sau bão số 3. Đến thời điểm này, các địa phương trong huyện đã cơ bản khắc phục, xử lý môi trường chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Duy, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Bão số 3 đã làm một số chuồng trại chăn nuôi và công trình phụ trợ bị tốc mái với tổng diện tích gần 25.200m2; 105 con lợn, 1 con bò, hơn 33.600 con gia cầm tại 17 xã bị chết. Thời tiết hiện nay vẫn có mưa, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tiếp tục khuyến cáo các hộ chăn nuôi có biện pháp bảo đảm đàn vật nuôi của gia đình; đồng thời, tăng cường cán bộ về các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng hóa chất, vôi bột thực hiện tốt việc xử lý môi trường khu vực chăn nuôi. Đối với đàn vật nuôi đến thời kỳ tiêm phòng, các hộ cần tiêm đủ mũi, đủ liều phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Ông Nguyễn Đức Am, xã Quỳnh Hoa cho biết: Bão số 3 đã làm tốc mái chuồng nuôi của gia đình, gây lụt vùng chăn nuôi. Đến thời điểm này, gia đình tôi đã khắc phục xong phần mái chuồng chăn nuôi lợn, tuy nhiên hiện nay thời tiết có mưa to dễ gây ngập trở lại khu vực chuồng nuôi nên tôi đã chủ động mua vôi bột để xử lý, đồng thời khơi thông cống rãnh để thoát nước kịp thời. Đối với đàn gà, tôi đã di chuyển lên khu vực cao tránh nước ngập.
Với Thái Thụy, thời điểm hiện nay huyện cũng đang tập trung khắc phục môi trường chăn nuôi tại các trang trại, hộ gia đình, bảo đảm chăn nuôi theo hướng bền vững.
Bà Lê Thị Sinh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Sau bão số 3, một số trang trại bị tốc mái, rách bạt biogas. Các hộ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm ở một số xã như Thái Đô, Hồng Dũng, Thụy Trình, Dương Hồng Thủy, Thuần Thành… bị thiệt hại khoảng 10.000 con. Đối với gia súc, gia cầm chết, chúng tôi đã xử lý theo quy định để bảo vệ môi trường khu dân cư. Đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Khơi thông cống rãnh, hạn chế úng ngập khi mưa lớn. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch để tăng khả năng miễn dịch. Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, chú ý phát hiện sớm những bất thường như ủ rũ, kém ăn để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.558 trang trại, trong đó 40 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 491 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 1.027 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ. Tổng đàn trâu, bò 59.500 con, đàn lợn 713.000 con, đàn gia cầm 13 triệu con. Trong tháng 8/2024, lực lượng thú y cơ sở đã tổ chức tiêm 285.000 liều vắc-xin cho gia cầm, 250.000 liều vắc-xin cho đàn lợn. Bão số 3 và mưa những ngày qua đã gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh với số gia cầm, thủy cầm bị chết ước tính sơ bộ hơn 60.000 con; gần 150 con gia súc bị chết; một số chuồng trại bị tốc mái tôn, đổ tường bao, tường trại; 1 trang trại bị rách bể biogas bạt…
Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Mưa bão gây ngập úng là yếu tố ảnh hưởng xấu đến đàn gia súc, gia cầm, tạo cơ hội phát tán mầm bệnh, là điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Chính vì thế, Chi cục đã cử cán bộ về các địa phương nắm tình hình triển khai các biện pháp xử lý môi trường vùng chăn nuôi. Đối với các vùng có nguy cơ ngập lụt, chuẩn bị sẵn phương án di dời vật nuôi lên những vùng đất cao bằng cách làm chuồng che chắn cẩn thận, dự trữ đầy đủ thức ăn và bảo quản thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc, cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi. Sử dụng máy phát điện dự phòng bảo đảm an toàn cho các trang trại gia súc, gia cầm quy mô lớn khi có sự cố mất điện. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Tăng cường chăm sóc và nâng cao chất lượng khẩu phần ăn cho vật nuôi nhằm tăng sức đề kháng. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phát quang môi trường chuồng nuôi và vệ sinh dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ 1 – 2 lần/tuần phun tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các chất sát trùng theo quy định và theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đối với xác vật nuôi chết cần xử lý theo đúng quy định của ngành chuyên môn.
Hộ chăn nuôi xã Thụy Việt (Thái Thụy) rắc vôi bột xử lý môi trường sau bão số 3.
Mạnh Thắng
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/207873/xu-ly-moi-truong-phong-chong-dich-benh-tren-dan-vat-nuoi