Người dân mua tích trữ
Theo thông tin mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác phòng, chống thiên tai vào 9h00 sáng 11.9, có 30.700 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 2.614ha; Nam Định 509ha; Thái Bình 3.345ha; Hà Nội 4.046ha; Hải Dương 3.000ha; Hoà Bình 6.728ha; Lạng Sơn 1.393ha…).
Thực tế, trước tình hình bão lũ hiện tại, giá rau xanh tại các chợ truyền thống ở Hà Nội có tăng gấp đôi so với ngày thường, còn tại các siêu thị thì ổn định.
Người dân đang có tâm lý đổ xô đi mua thực phẩm để dự trữ vì lo cháy hàng. Những thực phẩm đắt hàng chủ yếu là rau xanh, thịt, bánh mì, một số loại đồ khô…
Ghi nhận của PV Lao Động lúc 11h ngày 11.9, tại một siêu thị ở Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy, Hà Nội), lượng người mua hàng, thực phẩm tại đây không quá đông. Tuy nhiên, các quầy rau xanh gần như không còn một sản phẩm nào, chỉ lác đác vài loại rau sống như rau răm, xà lách.
Bên cạnh đó, mặt hàng được mọi người quan tâm và mua nhiều hơn hẳn là đồ khô như bánh mì. Các loại thực phẩm tươi sống khác như thịt bò, lợn, gà… được siêu thị liên tục bổ sung.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Nguyễn Thị Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Từ sáng đến giờ, tôi ra siêu thị 2 lần mà chưa mua nổi một bó rau về nấu cơm. Cứ cầm giỏ đựng mãi mà chưa tìm được gì, chả lẽ lại tiếp tục người không đi về”.
Tại một siêu thị khác trên đường Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm), khu vực đắt hàng nhất được người dân chọn mua cũng là rau xanh và bánh mì. Nhân viên của siêu thị phải liên tục bổ sung, phân bổ thêm thực phẩm lên các quầy hàng.
Không riêng gì ở các siêu thị, tại các khu vực chợ dân sinh cũng đắt hàng do người dân bị ảnh hưởng theo tâm lý đám đông đổ xô đi mua hàng tích trữ. Mặc dù mưa lớn từ sáng nhưng theo chị Nguyễn Thị Thương – tiểu thương tại chợ Mễ Trì Thượng, hàng rau củ của chị vẫn rất đắt hàng so với ngày thường.
Một tiểu thương bán rau khác tại chợ Mễ Trì Thượng cũng cho hay, không muốn bán giá đắt so với ngày thường nhưng nhập vào giá thành cao, nguồn cung gián đoạn vì bị ảnh hưởng với ngập lụt nên đành phải tăng giá các loại rau.
Bổ sung thực phẩm phục vụ miền Bắc
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Giám đốc Chuỗi WinMart – cho biết, tất cả 4 nông trại WinEco tại miền Bắc bao gồm Hà Nam, Quảng Ninh, Tam Đảo và Hải Phòng đã bị tàn phá hoàn toàn, đồng ruộng bị ngập úng, các nhà vườn đều bị sập, tróc mái và gần như mất trắng sản lượng.
Tuy nhiên mỗi ngày, gần 100 tấn rau củ thiết yếu đã được vận chuyển từ miền Nam và Lâm Đồng ra miền Bắc. Đây là nỗ lực của WinEco nhằm đảm bảo nguồn cung cấp rau củ cho người dân, đồng thời bù đắp sự thiếu hụt do thiệt hại của các nông trường miền Bắc sau bão Yagi, nhất là các loại rau phổ biến như mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải chíp, bầu bí, mướp đắng, và nhiều mặt hàng khác. Đặc biệt, các nông sản WinEco được bày bán tại chuỗi siêu thị, cửa hàng WinMart, WinMart+, WIN không tăng giá, giúp ổn định thị trường.
Ngoài ra, để đảm bảo duy trì ổn định nguồn hàng của Miền Bắc đến cuối tháng, WinEco đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại các nông trường ở Lâm Đồng và miền Nam để duy trì ổn định sản lượng cung cấp cho thị trường Miền Bắc và bình ổn giá cho người tiêu dùng sau ảnh hưởng từ bão Yagi.
“Hiện tại, hoạt động vận chuyển hàng hóa từ kho hàng Supra đến các siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WiN đang gặp trở ngại do tình trạng ngập lụt và sạt lở tại các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, chúng tôi đã kịp thời triển khai các giải pháp để đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời phục vụ người dân. Đảm bảo hàng hóa luôn đầy đủ tại các kho trung tâm và sẵn sàng phân phối đến các siêu thị/cửa hàng. Lựa chọn các siêu thị và cửa hàng có diện tích lớn và dễ dàng giao nhận hàng hóa để quy hoạch thành các điểm nhận hộ. Nhân viên vận hành tại các siêu thị/cửa hàng này sẽ tiếp nhận hàng hóa và mang hàng đến các siêu thị/cửa hàng mà xe hàng không thể tiếp cận được.
Hiện nay, WinMart/WinMart+/WiN tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn về thiệt hại cơ sở vật chất và hàng hóa nhưng chúng tôi đang nỗ lực hết mình để duy trì hoạt động, bình ổn giá cho người tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội” – ông Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.
Theo đại diện MM Mega Market, các giải pháp tăng cường nguồn rau củ từ Lâm Đồng ra, khả năng sẽ đảm bảo đủ nguồn cung trong 1 – 2 tuần tới. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa cho người tiêu dùng cuối sẽ gặp ảnh hưởng.
Trong khi đó, đại diện nhiều đơn vị bán lẻ khác như Saigon Co.op… thông tin vẫn tiếp tục thực hiện tăng cường rau củ từ Lâm Đồng ra Bắc. Mỗi ngày đều có thêm những chuyến xe tăng cường đưa rau củ ra Hà Nội và từ đây vận chuyển đi đến siêu thị các tỉnh.
Triệu vòng tay hướng về đồng bào bị thiệt hại do bão lũ
Bão lũ gây ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề tại nhiều các tỉnh khu vực phía Bắc.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, với tinh thần tương thân tương ái bao đời nay vẫn là hình ảnh đẹp của người dân Việt Nam, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cùng chung tay chia sẻ với đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt… để sớm ổn định cuộc sống.
Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng xin chân thành cảm ơn tình cảm quý báu của các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng, số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756. Số tài khoản (STK): 113000000758 tại Vietinbank Chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội. STK: 0021000303088 – tại Vietcombank – Chi nhánh Hà Nội, STK: 12410001122556 – tại BIDV – Chi nhánh Hoàn Kiếm. Hoặc quét mã QR sau:
Xin vui lòng chuyển khoản ghi rõ nội dung ủng hộ.