Bão số 3 với sức gió mạnh và mưa to đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Hàng nghìn ha lúa, rau màu bị ngập úng. Ngay sau khi bão tan, các địa phương, đơn vị đã tập trung tiêu thoát nước để cứu lúa và rau màu.
Sáng ngày 8/9, Trạm bơm An Quốc (Kiến Xương) vận hành 8/8 máy với tổng công suất 32.000m3/giờ.
Nhiều diện tích lúa, cây màu bị thiệt hại
Sáng ngày 8/9, mặc dù trời còn mưa nhưng nông dân các địa phương đã khẩn trương ra đồng kiểm tra lúa. Ghi nhận tại nhiều vùng, mực nước trong đồng cao khoảng 2/3 cây lúa.
Cán bộ xã Thái Giang (Thái Thụy) kiểm tra ảnh hưởng của bão với lúa mùa.
Bà Lê Thị Thanh, thôn Phất Lộc Đông, xã Thái Giang (Thái Thụy) cho biết: Làm nông nghiệp không khác gì đánh bạc với trời. Trước bão, lúa rất tốt, đang ôm đòng chuẩn bị trỗ. Mưa to, gió lớn khiến lá lúa bị táp, một số diện tích bị trật đòng, nước ngập hết đòng. Nếu nước không rút nhanh, chỉ ngập 2 – 3 ngày là thiệt hại lớn tới năng suất do thối đòng hoặc lúa trỗ bông bị đen.
Ông Nguyễn Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Thái Giang cho biết: 380ha lúa mùa của xã đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến trỗ bông tập trung từ ngày 10 – 15/9. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3 khiến 15ha lúa khu vực đồng bãi thuộc hai thôn Phất Lộc Đông, Phất Lộc Trung bị ngập trắng, 50ha lúa bị đổ, diện tích còn lại mực nước rất cao, ngập đòng. Thái Giang không có trạm bơm tiêu, việc tiêu nước chủ yếu qua hai sông chính: sông Tiên Hưng, sông Trà Lý. Hiện nay, mực nước trên hệ thống sông trục lớn, khả năng tiêu tự chảy chậm do đó nguy cơ ảnh hưởng lớn tới năng suất lúa.
Tại xã Đông Tân (Đông Hưng), bão số 3 cũng làm 30% diện tích lúa mùa đã trỗ bông bị đổ. Ông Lại Khắc An, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Tân cho biết: Ngoài 30% diện tích lúa bị đổ, diện tích còn lại đều bị gió to làm táp lá, trật đòng. HTX đang chỉ đạo các tổ nông dân khơi thông dòng chảy tạo thuận lợi cho việc tiêu thoát nước; khuyến cáo nông dân không bón đạm đơn, phun kích thích qua lá để hạn chế sâu bệnh, đồng thời tích cực kiểm tra đồng ruộng, chú ý các đối tượng gây hại như bệnh khô vằn, rầy.
Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa to và rất to. Lượng mưa trung bình toàn tỉnh trên 200mm, đặc biệt có nơi lượng mưa gần 420mm. Mưa to trên diện rộng cùng gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12 đã làm cho 6.000ha lúa bị thiệt hại từ 30 – 70%, 5.000ha lúa bị thiệt hại trên 70%, 18.000ha lúa nghiêng, đổ bị ngập úng. Ngoài ra, trên 3.300ha rau màu và gần 1.400ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.
Tập trung các biện pháp tiêu úng kịp thời
Để khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương, đơn vị mở các cống tiêu nước, huy động tối đa mọi phương tiện khơi thông dòng chảy nhằm tiêu nước nhanh. Từ 8 giờ 45 phút ngày 8/9, trạm bơm An Quốc, xã Quốc Tuấn (Kiến Xương) vận hành 8/8 tổ máy với tổng công suất 32.000m3/giờ để tiêu nước cho 600ha sản xuất nông nghiệp của hai xã Quốc Tuấn và An Bình.
Ông Trần Hoài Nam, Cụm trưởng cụm Tây Sơn, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Kiến Xương cho biết: Chúng tôi bố trí 100% quân số trực thực hiện nhiệm vụ, thay phiên nhau liên tục kiểm tra, theo dõi điện áp, việc thoát nhiệt của động cơ máy bơm; vớt bèo, rác, vật cản trước các cửa lưới chắn để ngăn tắc, bảo đảm các máy bơm vận hành an toàn, hiệu quả, tiêu thoát nước tối đa.
Tại hệ thống thủy nông Bắc, đơn vị đã cho vận hành 2 trạm bơm: Hà Thanh (Hưng Hà) và Hậu Thượng (Đông Hưng) từ sáng ngày 8/9.
Ông Bùi Văn Khả, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình cho biết: Ngoài vận hành 2 trạm bơm, từ 3 giờ ngày 8/9 đã có thể tiêu tự chảy qua hệ thống sông, cống. Chúng tôi mở tối đa 10 cửa cống Trà Linh, triền sông Trà Lý mở tiêu từ cống Quan Hỏa (Đông Hưng) ra đến biển; triền sông Hóa mở từ cống Đại Thần (Quỳnh Phụ) ra đến biển. Do sự cố về điện sau bão khiến một số trạm bơm chưa thể hoạt động. Công ty đã phân công cán bộ, công nhân trực 24/24 giờ tại công trình, sẵn sàng vận hành bơm tiêu khi có điện.
Các hộ trồng quất cảnh xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) sử dụng máy bơm nhỏ khẩn trương tiêu nước cho quất.
Nhanh chóng khôi phục sản xuất
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương chủ động các giải pháp kỹ thuật. Đối với diện tích lúa đã chắc xanh, nếu bị đổ ngã do bão và mưa lớn cần hướng dẫn nông dân dựng, buộc lúa tránh hạt lúa nảy mầm trên bông; tháo cạn nước mặt ruộng và phun thuốc trừ rầy, bệnh khô vằn phát sinh sau mưa lớn. Các vùng lúa chưa trỗ bông chú trọng việc tiêu nước tránh đòng lúa ngập sâu trong nước sẽ bị thối, ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Kỹ sư Phạm Thị Tươi, Trung tâm Khuyến nông cho biết: Sau mưa bão, lúa đổ, nguy cơ nhiễm các loại sâu, bệnh hại như rầy, bạc lá, khô vằn rất lớn. Do vậy, nông dân cần phun phòng các đối tượng trên khi thời tiết thuận lợi. Riêng đối với diện tích chuẩn bị trỗ nên phun phòng thêm bệnh đen lép hạt. Đối với cây màu, khẩn trương tháo nước, khơi thông dòng chảy, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối rễ, thối thân. Diện tích còn có thể phục hồi cần tỉa bỏ những cây, lá bị dập nát, phun phòng bệnh lở cổ rễ. Khi thời tiết thuận lợi tiến hành làm cỏ, phá váng, phun chế phẩm KH, siêu lân để kích thích bộ rễ phát triển, đồng thời bổ sung phân để cây nhanh phục hồi.
Tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương hỗ trợ thiệt hại sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ giống cây trồng phục hồi sản xuất.
Ngân Huyền
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/207447/khan-truong-tieu-thoat-nuoc-bao-ve-lua-rau-mau