Các địa phương trong tỉnh đang tập trung chăm sóc, tỉa dặm lúa mùa. Để bảo vệ lúa vụ mùa sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng cao, ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh gây hại.
Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Hưng kiểm tra sâu bệnh hại trên đồng ruộng.
Hiện nay, trà lúa mùa sớm của huyện Kiến Xương đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh, lúa mùa đại trà đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ. Một số ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai phải cấy dặm, cấy lại đang hồi xanh, đẻ nhánh. Điều kiện thời tiết đầu vụ có nhiều bất thuận, mưa nắng xen kẽ, lượng mưa lớn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của lúa, đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại như sâu đục thân, chuột hại, sâu cuốn lá nhỏ, đặc biệt bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Trạm đã có thông báo, hướng dẫn chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho lúa mùa. Theo đó, đối với diện tích trà sớm và trà chính vụ lúa đã và đang sinh trưởng phát triển tốt cần tiến hành bón phân thúc, bón phân kali từ ngày 10 – 25/8, những giống ngắn ngày, những ruộng tốt sớm cần bón đầu lịch, với giống dài ngày, chưa tốt cần bón cuối lịch. Đối với diện tích cấy lại, nông dân cần tiếp tục tỉa dặm, bón phân thúc, lựa chọn các loại phân bón chất lượng cao, bón đúng và đủ lượng theo khuyến cáo. Ngoài ra, Trạm đã tiến hành lấy mẫu rầy lưng trắng đi giám định, kết quả một số mẫu rầy đã dương tính với vi rút lùn sọc đen. Bệnh xuất hiện rải rác, chúng tôi đề nghị các HTX hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng khi cây lúa, khóm lúa có triệu chứng cây thấp lùn, lá xoắn, màu xanh đậm, rễ mọc ngược cần thông báo tới chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn. Khi xác định cây lúa, khóm lúa bị bệnh cần tiến hành tiêu hủy các cây lúa bị bệnh kết hợp phun phòng, trừ rầy lưng trắng ở khu vực cây lúa bị bệnh.
Đến nay, các trà lúa cơ bản sinh trưởng, phát triển tốt, trà sớm đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến làm đòng, lúa mùa đại trà ở giai đoạn đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh, một số diện tích do ảnh hưởng của mưa, ngập úng phải gieo cấy lại và tỉa dặm ở giai đoạn bén rễ hồi xanh. Để bảo đảm cho lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, điều tiết nước hợp lý. Đối với những diện tích lúa tỉa dặm, cấy lại, sinh trưởng phát triển chậm phải khẩn trương bón phân thúc kịp thời, đồng thời giữ nước nông mặt ruộng, tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh tối đa; rút nước phơi ruộng khi lúa kết thúc đẻ nhánh để bộ rễ ăn sâu, chống đổ tốt ở giai đoạn cuối vụ; diện tích lúa bước vào giai đoạn phân hóa đòng khẩn trương bón bổ sung phân kali, lượng bón từ 2 – 4kg/ sào để giúp cây tăng sức chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và giúp cho quá trình phân hóa mầm hoa thuận lợi, góp phần tăng năng suất lúa mùa.
Dự kiến đến ngày 5/9 toàn tỉnh có trên 20.000ha lúa mùa trà sớm trỗ bông. Mặt khác, theo dự báo của cơ quan chuyên môn và kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, sâu đục thân hai chấm có nguy cơ phát sinh sớm, gây hại nặng trên đồng ruộng từ đầu tháng 8, tạo thành nhiều cao điểm trong tháng 8. Tại Đông Hưng, mật độ trưởng thành sâu đục thân hai chấm lứa 4 nơi cao từ 0,1 – 0,3 con/ m2, cá biệt 1 – 2 con/m2; ổ trứng nơi cao 0,3 – 0,5 ổ/m2, cá biệt 1 – 2 ổ/m2.
Bà Vũ Thị Nhuệ, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Sâu đục thân hai chấm lứa 4 ra sớm với mật độ rất cao, nếu không phòng, trừ kịp thời sẽ gây bông bạc trên diện tích lúa mùa trỗ bông trong tháng 8 đến đầu tháng 9, gây thui đòng, thui dảnh nghiêm trọng trên những vùng có mật độ sâu cao, diện tích chân quẩn ven làng, vùng gần ánh sáng đèn, gần các khu hoang hóa. Những xã có mật độ sâu cao đợt này: Đô Lương, Đông Xá, Đông Các, Đồng Xuân, Đông Dương, Hà Giang, Đông Vinh… Trạm đã có thông báo, hướng dẫn phòng, trừ sâu đục thân hai chấm đồng thời phát động thời gian phun từ ngày 6 – 9/9 cho diện tích lúa trỗ trước ngày 5/9. Do thời điểm phun sâu đục thân hai chấm năm nay sớm hơn trung bình nhiều năm, vì vậy đề nghị các địa phương bằng nhiều hình thức tuyên truyền tích cực để người dân nắm bắt được tình hình sâu bệnh, tập trung phòng, trừ đúng đối tượng, đúng diện tích theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Dự kiến sẽ có khoảng 25.000 – 30.000ha lúa mùa, tập trung ở các huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Vũ Thư cần phun thuốc phòng, trừ sâu đục thân hai chấm. Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn chỉ đạo về việc chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh đồng thời yêu cầu trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thành phố khẩn trương khoanh vùng những nơi có mật độ sâu đục thân hai chấm và các đối tượng sâu bệnh hại khác cần phải phòng, trừ; hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật để phòng, trừ, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng kịp thời phát hiện các đối tượng sâu, bệnh hại lúa.
Lưu Ngần
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/205259/chu-dong-cham-soc-bao-ve-lua-mua