Từng có giai đoạn quyết định gác lại việc học để lao động kiếm sống nhưng tình yêu, niềm đam mê nhạc cụ dân tộc đã thôi thúc Lưu Thùy Dương hiện đang là học sinh năm thứ 2, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh quyết định vượt qua khó khăn theo đuổi con đường nghệ thuật. 2 năm gắn bó với sáo trúc cùng nhiều thành tích ở bộ môn này đã khiến em tin tưởng vào lựa chọn của bản thân và kiên định mong muốn góp phần bảo tồn, lan tỏa vẻ đẹp nhạc cụ dân tộc, đặc biệt tới thế hệ trẻ.
Lưu Thùy Dương hòa tấu cùng dàn nhạc của trường trong một chương trình nghệ thuật.
Hành trình gian nan đến với nghệ thuật
Sau giải quán quân tại cuộc thi Tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình vào tháng 4/2024, Lưu Thùy Dương nỗ lực tập luyện, tham gia cùng dàn nhạc dân tộc của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật truyền thống tại các địa phương và trường học trên địa bàn tỉnh. Không chỉ hòa tấu cùng dàn nhạc, em còn có những tiết mục độc tấu sáo trúc. Con đường đến với nghệ thuật của bản thân nhiều gian nan, vất vả nên Thùy Dương mong muốn thông qua những chương trình biểu diễn của mình có thể góp phần “truyền lửa” nhiệt huyết cho những bạn trẻ có cùng đam mê.
Về bước đường khởi đầu đến với âm nhạc, Dương chia sẻ: Đó là khoảng thời gian em đã tạm dừng việc học sau khi tốt nghiệp THCS, sau 1 ngày làm việc vất vả, em vô tình đi xem chương trình ca nhạc ở quê và bị thu hút bởi dàn nhạc, đặc biệt là tiếng sáo trúc khiến em cảm thấy tâm hồn mình bình yên, bao nhiêu lo toan như tan biến. Sau đó nhiều ngày, em vẫn không thôi nghĩ về tiếng sáo, về những âm thanh trầm bổng, du dương và quyết định tìm hiểu loại nhạc cụ này. Càng đọc thông tin và xem video về sáo trúc em càng cảm thấy hứng thú. Dần dần qua thời gian tìm hiểu, em tham gia vào một số nhóm trên trang mạng xã hội để được những thành viên lâu năm chia sẻ về cách sử dụng nhạc cụ. Em nghĩ đây có lẽ sẽ là sở thích giúp mình thư giãn sau giờ lao động, trong khi việc tự học rất khó nên em đã quyết định tìm nơi dạy về sáo trúc để được hướng dẫn tập luyện, thỏa mãn đam mê. Từ quê ở Hưng Hà lên thành phố Thái Bình với mong muốn học nghệ thuật ngoài giờ đi làm, em được các thầy cô tại Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh định hướng theo học hệ trung cấp tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh để hoàn thành chương trình THPT song hành được đào tạo chuyên sâu năng khiếu nhạc cụ dân tộc. Thời điểm đó, Trường cũng đang trong giai đoạn tuyển sinh nên em làm hồ sơ, đăng ký thử sức mình và may mắn đã trúng tuyển.
Lưu Thùy Dương trong giờ luyện tập cùng dàn nhạc dân tộc Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh.
Hạnh phúc khi được tin tưởng
Không nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ từ bố mẹ trên bước đường nghệ thuật, Thùy Dương vẫn luôn bền bỉ, nỗ lực theo đuổi đam mê. Đến nay, khi đã “gặt hái” một số thành công bước đầu trên con đường này, em cảm thấy may mắn đã được đào tạo chuyên nghiệp bởi sau thời gian ngắn chơi sáo trúc theo cách nghiệp dư, khi được thầy cô dạy bảo, em mới nhận ra quá trình tự tìm hiểu, mình mắc không ít lỗi sai cơ bản mà nếu qua thời gian dài có thể trở thành thói quen khó sửa.
Năm 2022, sau học kỳ đầu tiên theo học sáo trúc, Dương được các thầy cô khuyến khích đăng ký tham gia, thử sức tại cuộc thi Em yêu làn điệu dân ca do Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh tổ chức. Với sự hỗ trợ, định hướng của thầy cô, sự động viên, cổ vũ của bạn bè, giải ba đạt được tại cuộc thi này giúp em thêm tin tưởng vào lựa chọn của bản thân, đồng thời trở thành động lực để em quyết tâm chinh phục đam mê ở cuộc thi Tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình lần thứ IV năm 2024. Lần này, hành trang đến với cuộc thi của Dương đã dày dặn hơn bởi bản lĩnh sân khấu em được tôi luyện qua nhiều chương trình nghệ thuật tham gia cùng dàn nhạc dân tộc của trường.
Về phần thi đạt giải nhất của em, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, ban giám khảo cuộc thi chia sẻ: Lưu Thùy Dương qua phần biểu diễn đã dẫn dắt cảm xúc người nghe theo thế giới nội tâm mà em dành vào tiếng sáo trúc, đó là điều vô cùng cần thiết của người nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu.
Đồng thời, em cũng nhận được lời khuyên từ ban giám khảo về việc tiếp tục phát huy tài năng của bản thân, học tập, nghiên cứu chuyên sâu hơn về bộ môn sáo trúc sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Tự nhận thành công đã đạt được là áp lực, đồng thời cũng là động lực khiến cho bản thân ngày càng phải học tập, lao động nghiêm túc hơn, Lưu Thùy Dương cho biết khó khăn trên bước đường nghệ thuật ngày càng giúp em thêm kiên định mong muốn góp phần bảo lưu giá trị truyền thống tốt đẹp của âm nhạc dân tộc.
Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nhà trường đặc biệt chú trọng tìm kiếm, đào tạo tài năng trẻ trong tất cả các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống. Với chiến lược đó, nhà trường đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao cơ sở vật chất để học sinh được tạo điều kiện học tập, thực hành nghề tốt nhất ngay từ trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, với học sinh tham gia các cuộc thi, ngoài việc có cơ chế động viên kịp thời để các em có thêm động lực phát huy tối đa khả năng của bản thân, đồng thời phân công cán bộ, giảng viên trực tiếp hướng dẫn, trao đổi, định hướng chuyên môn để học sinh có thể phát huy kiến thức, kinh nghiệm đã được học tập, rèn luyện.
Thầy giáo Cao Quang Huy, giảng viên Khoa Nhạc cụ truyền thống Em Lưu Thùy Dương có niềm đam mê nghệ thuật, đặc biệt đối với sáo trúc. Ngay từ năm đầu vào trường, em đã chịu khó rèn luyện, nhanh chóng tiếp thu kiến thức âm nhạc, chăm chỉ tập luyện chuyên môn. Qua các cuộc thi, ước mơ ngày càng cháy bỏng hơn, em đã chịu khó rèn luyện kỹ năng, phát triển phong cách biểu diễn và truyền tải được nhạc cảm của mình vào những tác phẩm âm nhạc. Biết được hoàn cảnh gia đình và điều kiện học tập nhiều thiệt thòi của em, thầy cô nhà trường không chỉ tạo điều kiện tốt nhất cho em được luyện tập, theo đuổi đam mê mà còn thường xuyên động viên, mong em kiên định với ước mơ của bản thân mình. |
Tú Anh
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/204560/tai-nang-sao-truc-luu-thuy-duong-mong-muon-bao-ton-am-nhac-dan-toc