Lào Cai: Xúc tiến thương mại trong tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP Sản phẩm OCOP rộng đường vào kênh bán lẻ, chuỗi siêu thị của Hà Nội |
Đây là “quả ngọt” được gây dựng từ Chương trình Hành trình OCOP – một gameshow truyền hình đầu tiên có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP từ mọi miền cả nước. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Hà Thanh Bình – CEO, Founder chuỗi bán lẻ Goldfruit và Công ty thực phẩm Wiki Food về vấn đề này.
Bà Hà Thanh Bình – CEO, Founder chuỗi bán lẻ Goldfruit và Công ty thực phẩm Wiki Food |
Thưa bà, được biết, bà đã và đang tham gia Chương trình Hành trình OCOP với vai trò là thành viên ban cố vấn và ban giám khảo và ban cố vấn. Lý do bà tham gia chương trình là gì?
Tôi tham gia chương trình hành trình OCOP với vai trò là thành viên ban cố vấn và ban giám khảo chương trình. Lý do là vì đây là một chương trình thực tế nhân văn và ý nghĩa, giúp góp phần kết nối và phát triển nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, từ chương trình này tôi nhìn thấy hình ảnh của mình cách đây 10 năm, khi cũng đi tìm thị trường tiêu thụ trái cây và nông sản Việt với vô vàn khó khăn. Đến nay, khi đã xây dựng được một chuỗi bán lẻ được người tiêu dùng Hà Nội tin tưởng, ưa chuộng, tôi muốn quay lại để hỗ trợ và giúp các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông sản và sản phẩm OCOP có thể tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Được biết, sau khi Chương trình Hành trình OCOP quay và phát sóng được một vài số, Ban tổ chức đã tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi bán lẻ, siêu thị tại Hà Nội. Tại đây, bà đã ký kết biên bản ghi nhớ với hơn 20 doanh nghiệp, chủ thể OCOP để đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị Goldfruit với phí mở mã hàng tại chuỗi bán lẻ là 0 đồng. Lý do của việc này là gì?
Hiện nay, sau 10 năm xây dựng và phát triển hệ thống bán lẻ Goldfruit, tôi không thiếu các nhà cung cấp. Tuy nhiên, tôi muốn hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ, các chủ thể OCOP đưa các sản phẩm vùng miền vào Goldfruit với phí mở mã 0 đồng để giúp các chủ thể có được khởi đầu thật thuận lợi. Còn sản phẩm đó có duy trì được lâu dài trong hệ thống hay không, có chinh phục được người tiêu dùng Thủ đô hay không thì còn phụ thuộc vào việc các chủ thể cùng nhau và cùng tôi xây dựng các chương trình truyền thông, xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hành trình OCOP thực sự là một chương trình ý nghĩa và tôi kỳ vọng chương trình sẽ mang lại cho các doanh nghiệp, chủ thể OCOP nhiều cơ hội hơn trong việc trao đổi kinh nghiệm, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Dù ban đầu, chương trình mới đang thu hút các chủ thể, sản phẩm tập trung nhiều ở khu vực phía Bắc, song thời gian tới, tôi hy vọng sẽ có nhiều chủ thể ở khu vực miền Trung, miền Nam tham gia chương trình, đưa các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP vùng miền về tham dự. Và nếu các doanh nghiệp, chủ thể có các sản phẩm phù hợp, tôi sẵn sàng đưa vào tiêu thụ tại chuỗi Goldfruit. Đồng thời đẩy mạnh giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm đến các chuỗi bạn hàng khác của Goldfruit.
Bà Hà Thanh Bình (ngồi bên phải) ký kết bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm OCOP |
Sau thời gian tiếp xúc với các chủ thể và sản phẩm OCOP, bà đánh giá như thế nào về tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại hệ thống phân phối Goldfruit?
Trước khi có sự kiện xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi bán lẻ, siêu thị tại Hà Nội được tổ chức đầu tháng 7, với vai trò là ban cố vấn, ban giám khảo Chương trình Hành trình OCOP, tôi đã có dịp ngồi nghe các chủ thể chia sẻ và có quá trình tìm hiểu, test sản phẩm. Sau đó, tôi đã đưa các sản phẩm của Công ty CP Sữa Đồng cỏ Ba Vì vào tiêu thụ tại hệ thống Goldfruit và được người tiêu dùng đón nhận.
Tôi cho rằng, sản phẩm nông nghiệp vùng miền, sản phẩm OCOP rất chất lượng. Tôi rất kỳ vọng với sự hỗ trợ của Goldfruit, sản phẩm vùng miền sẽ được tiêu thụ tốt hơn tại Thủ đô, được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn.
Các chủ thể OCOP đa phần là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội gia đình có quy mô nhỏ. Nhiều chủ thể là các doanh nghiệp khởi nghiệp với vô vàn khó khăn. Với vai trò là một doanh nghiệp phân phối, đã trải qua quá trình khởi nghiệp khó khăn đó, bà có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp, chủ thể để sản phẩm có thể chinh phục người tiêu dùng tốt nhất?
Những năm đầu khởi nghiệp, tôi đi lên từ con số 0, không tiền, không mối quan hệ, không có gì cả… chỉ có tinh thần rất nhiệt và sự quyết tâm. Tôi cũng nhìn thấy sự nhiệt huyết và quyết tâm ấy ở các chủ thể OCOP. Tuy nhiên, khác với tôi, các bạn may mắn hơn vì có sự hỗ trợ từ ban giáo khảo, ban cố vấn, các cơ quan truyền thông, các chuỗi phân phối.
Với sự hỗ trợ này, tôi hy vọng các bạn giữ được niềm đam mê với sản phẩm. Chỉ có sự đam mê, tâm huyết, các bạn mới giữ được chất lượng sản phẩm, quyết tâm ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, đưa sản phẩm vào chuỗi đã khó, giữ được sản phẩm trong hệ thống còn khó khăn hơn. Do đó, khi đã tiêu thụ được sản phẩm thì các chủ thể phải giữ được cái tâm để đảm bảo chất lượng như khởi đầu. Chứ không phải tiêu thụ được số lượng lớn rồi thì không giữ được chất lượng như ban đầu. Làm như vậy mới có thể giữ chân được khách hàng.
Xin cảm ơn bà!
Chương trình “Hành trình OCOP” là một gameshow truyền hình đầu tiên có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP từ mọi miền cả nước sẽ mang đến những câu chuyện khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm bổ ích để phát triển các sản phẩm đặc sản vùng miền. Chương trình có sự phối hợp của Kênh VTC14, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và Thái Bình COOP, Bizcare, Tiktok Việt Nam. Số đầu tiên của chương trình đã được phát sóng vào lúc 11h00 ngày 16/6 trên kênh VTC14. Hành trình OCOP được thực hiện với mục tiêu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp chất lượng cao tăng doanh số bán hàng, cập nhật xu hướng, mô hình bán hàng trong thời đại công nghệ số. Đồng thời, kết nối, tiêu thụ sản phẩm. |