Sau 27,5 ngày làm việc với tinh thần đoàn kết, dân chủ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Tại kỳ họp đã có 936 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và đã có 750 lượt đại biểu phát biểu, trong đó 708 lượt đại biểu phát biểu thảo luận, 42 lượt đại biểu tranh luận trong phiên thảo luận tại hội trường; 2.119 lượt đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh với các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.
Về công tác nhân sự và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng
Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng thời tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền và đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội.
Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về: Bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa, Đắk Nông – Chơn Thành, Bình Phước; Phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cho ý kiến về báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Nghị quyết kỳ họp thứ bảy.
Khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay
Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật và 3 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Luật Lưu trữ; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Về giám sát tối cao
Quốc hội đã dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn 3 Bộ trưởng và Tổng Kiểm toán Nhà nước về 4 lĩnh vực: Tài nguyên và môi trường; công thương; văn hóa, thể thao, du lịch và kiểm toán nhà nước; các Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn. Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung để ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về: Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; Thành lập đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025 “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.
Quốc hội đã xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
Tích cực tham gia thảo luận, xem xét, quyết định nhiều vấn đề tại kỳ họp
Cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tích cực tham gia vào các nội dung của kỳ họp như công tác xây dựng luật, giám sát tối cao và xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Tại kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tỉnh nhà đã tham gia đóng góp 73 lượt ý kiến về các lĩnh vực như kinh tế – xã hội, thảo luận về các dự án luật, chất vấn Chính phủ và các thành viên Chính phủ, trong đó có 22 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường; 42 lượt ý kiến phát biểu tại tổ; 9 lượt đại biểu chất vấn trực tiếp đối với Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Nội dung các ý kiến đều đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, đồng thời thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của đại biểu Quốc hội được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu thể hiện trong các luật, nghị quyết được thông qua như: Kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ những “nút thắt” trong đầu tư công, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giải quyết ách tắc giao thông để kích cầu phát triển kinh tế – xã hội đất nước; kiến nghị trong công tác lập, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ, rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách nhà nước; kiến nghị về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, tầng lớp dân cư…
Bên cạnh việc tham gia tích cực vào các nội dung của kỳ họp, tại kỳ họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc, gặp gỡ để trình bày, kiến nghị trực tiếp những khó khăn, vướng mắc với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội của địa phương; tổ chức và tham gia nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các Đoàn đại biểu Quốc hội nhằm quảng bá, giới thiệu về điều kiện tự nhiên, con người, tiềm năng và thế mạnh của Thái Bình, góp phần tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Vũ Sơn Tùng
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/1/202755/ky-hop-thu-bay-quoc-hoi-khoa-xv-nhieu-doi-moi-sang-tao-dap-ung-yeu-cau-ngay-cang-cao-cua-thuc-tien-dat-nuoc