Ngành nông nghiệp và các địa phương đang tập trung chỉ đạo bà con nông dân tổ chức tỉa dặm, kết hợp bón thúc đợt 1 giúp lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt.
Nông dân huyện Đông Hưng chăm sóc lúa xuân.
Thời vụ gieo cấy tập trung
Vụ xuân này, huyện Kiến Xương gieo cấy 11.000ha lúa, trong đó cấy bằng máy xấp xỉ 4.530ha, chiếm 41% tổng diện tích gieo cấy, là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ cấy máy. Nhờ chuẩn bị tốt giống, vật tư nông nghiệp ngay từ đầu vụ và đẩy mạnh cơ giới hóa, gieo cấy đúng khung lịch thời vụ nên đến thời điểm này các trà lúa xuân trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh.
Với 3 máy cấy, vụ xuân này gia đình ông Vũ Ngọc Hà, thị trấn Kiến Xương cấy 130 mẫu, trong đó 30 mẫu ruộng của gia đình thuê, mượn; 100 mẫu làm dịch vụ cấy thuê cho người dân. Ông Hà cho biết: Diện tích ruộng lớn nên gia đình tập trung tối đa nhân lực, phương tiện cho việc gieo cấy đúng thời vụ, ưu tiên ruộng của bà con cấy trước. Cánh đồng phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn nên nông dân hạn chế công làm cỏ bờ, chúng tôi cũng tiết kiệm được công, nhiên liệu di chuyển máy, thuận lợi cho việc gieo cấy đồng loạt.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh gieo cấy tập trung từ ngày 10 – 20/2. Nhìn chung, vụ xuân 2024 nông dân cơ bản tuân thủ đúng lịch thời vụ, gieo cấy khá tập trung, đến ngày 22/2, toàn tỉnh cơ bản đã gieo cấy xong 74.384ha lúa, trong đó, nhóm lúa chất lượng cao khoảng 40.600ha, chiếm 55% tổng diện tích gieo cấy, gồm các giống: Bắc thơm số 7, Đài thơm 8, T10, RVT, N97, lúa Nhật…; lúa lai 3.523,5ha (chiếm 4,74%), gồm các giống chủ yếu: CNR36, Thái Xuyên 111, Nhị ưu 838, Nhị ưu 63…; còn lại là giống lúa thuần năng suất: BC15, TBR1, TBR225… Trà lúa sớm tập trung ở hai huyện Đông Hưng, Hưng Hà đang trong giai đoạn đẻ nhánh, lúa xuân đại trà đang bén rễ hồi xanh và ra lá mới. Giá nông sản, đặc biệt giá bán lúa đang ở mức cao, lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp nâng cao, tác động tích cực đến tư tưởng mở rộng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt sản xuất trồng trọt quy mô lớn. Toàn tỉnh có 120 xã có diện tích cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với tổng diện tích là 5.604,75ha, trong đó diện tích lúa có liên kết đạt 5.170,57ha. Nông dân các địa phương trong tỉnh đã tích cực sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh như Quế Lâm, Sumitri, Trường Sơn Bio, Azotobacterin… để cải tạo đất và hạn chế sự phát sinh của các đối tượng sâu bệnh hại.
Chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ lúa xuân
Hoàn thành cấy 35ha ruộng của gia đình, anh Dương Công Vĩnh, xã Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ) lại tất bật chuyển sang giai đoạn chăm sóc. Anh Vĩnh cho biết: Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi chúng tôi ra đồng tỉa dặm lại những diện tích lúa cấy trước tết. Đồng thời, dẫn nước vào chân ruộng để bón thúc các loại phân bón đợt 1 giúp cây lúa nhanh phục hồi đẻ nhánh khỏe. Vụ xuân “lúa lấy nước làm áo” nên chúng tôi luôn giữ mực nước nông đều khắp mặt ruộng giúp cho lúa đẻ nhánh tốt, đặc biệt lúa vừa gieo cấy lại nhanh bén rễ hồi xanh. Cùng với đó, thực hiện đồng loạt các biện pháp diệt chuột và ốc bươu vàng để bảo vệ lúa xuân.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ trung tuần đến cuối tháng 3, thời tiết Bắc Bộ chuyển ấm nóng 2 tuần cuối tháng, có nơi đạt ngưỡng nắng nóng, đây là thời điểm lúa xuân đại trà đẻ nhánh rộ, lúa trà sớm có thể rút ngắn thời gian sinh trưởng, phát triển, một số diện tích lúa có thể trỗ bông trong khung không an toàn làm giảm năng suất, giá trị.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngành nông nghiệp phân công các đơn vị, cán bộ phối hợp với các địa phương đánh giá tình hình sinh trưởng của các trà lúa theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để có biện pháp chăm sóc cụ thể. Với diện tích lúa đại trà hồi xanh bén rễ, bắt đầu ra lá mới cần tiến hành bón thúc bằng các loại phân tổng hợp NPK chuyên thúc có hàm lượng đạm cao để lúa đẻ nhánh thuận lợi, tập trung; bón thúc cho lúa trước ngày 20/3. Với diện tích lúa trà sớm cần chia lượng phân thành 2 đợt bón thúc, tránh hiện tượng lúa trỗ bông trong tháng 4. Thường xuyên giữ mức nước nông trong giai đoạn lúa đẻ nhánh giúp lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, tập trung; không để ruộng khô ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa. Khi lúa đẻ nhánh kín đất tháo cạn nước để nứt chân chim giúp rễ lúa ăn sâu sẽ tăng khả năng chống đổ của cây; giai đoạn sau cần giữ đủ nước để cây lúa nuôi đòng, nuôi hạt. Lưu ý nông dân không bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng khi nhiệt độ dưới 15oC.
Hiện nay, bệnh đạo ôn trên lá xuất hiện trên cỏ dại, dự báo bệnh xuất hiện sớm trên lúa và mức độ gây hại nặng hơn các vụ xuân trước. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm bệnh đạo ôn trên lá, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, chủ động phòng, trừ ngay từ khi còn ở diện hẹp.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, anh Dương Công Vĩnh, xã Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ) khẩn trương tỉa dặm bảo đảm mật độ lúa.
Ngân Huyền