Trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nông nghiệp vẫn được xác định là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thái Bình hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng đồng bằng sông Hồng.
Toàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa (lúa giống, lúa thương phẩm) tập trung cùng một giống với quy mô hàng trăm héc-ta/vùng.
Tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, Thái Bình đã và đang quy hoạch vùng sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi từ đó hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ, hướng đến một nền nông nghiệp hàng hoá phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững.
Gam màu sáng trong bức tranh nông nghiệp
Nếp Bể, còn gọi là nếp Keo, là một trong những giống lúa đặc sản cổ truyền của Thái Bình với nhiều phẩm chất tốt. Vũ Thư là một trong những vùng của tỉnh Thái Bình có truyền thống sản xuất lúa nếp Bể, trong đó tập trung nhiều tại xã Duy Nhất với diện tích đạt trên 200ha. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và kế hoạch cơ cấu lại ngành, ngành nông nghiệp thực hiện mô hình sản xuất lúa đặc sản, gia tăng giá trị phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu tại xã Duy Nhất.
Ông Nguyễn Hữu Cảnh, Giám đốc HTX Kinh doanh nông sản làng Keo, xã Duy Nhất cho biết: Toàn bộ diện tích canh tác, số thửa của nông dân tham gia mô hình được cập nhật và quản lý qua phần mềm quản lý đồng ruộng, bảo đảm độ tin cậy để nông dân bỏ bờ ngăn, tiến tới bỏ bờ vùng, bờ thửa, tạo quy mô đồng ruộng lớn, thuận lợi cơ giới hóa. Hiệu quả và ý nghĩa lớn nhất với người dân là xây dựng được nhãn hiệu tập thể “Gạo làng Keo”, hình ảnh về lúa gạo và nhãn hiệu gạo địa phương được quảng bá rộng rãi, thương hiệu của sản phẩm được bảo hộ, nhờ đó nâng cao giá trị từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với khi chưa xây dựng mô hình.
Tận dụng lợi thế có nhiều vùng đất phù sa cổ, lập địa cao, ảnh hưởng của các cơn bão nhẹ hơn vùng ven biển, thời gian qua, huyện Hưng Hà đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng quy hoạch theo hướng sản xuất an toàn; giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó có cây dược liệu, chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm và chế biến nông sản.
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngưu tất là cây trồng trong vụ đông có giá trị kinh tế cao, đạt 200 – 300 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa từ 3 – 4 lần. Từ mô hình tại xã Thống Nhất được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ nhận diện thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, cây ngưu tất đã mở rộng sang các xã Tây Đô, Văn Cẩm và có tiềm năng mở rộng để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ ngành dược. Toàn huyện hiện có trên 250ha cây dược liệu gồm: Thống Nhất 120ha, Tây Đô 30ha, Hùng Dũng 15ha, Minh Khai 20ha, Chí Hòa 35ha, Tân Lễ 30ha…
Sản xuất theo định hướng quy hoạch vùng là tiền đề cho phát triển nông nghiệp bền vững. Năm 2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, trong đó xác định 3 nhiệm vụ chính trong cơ cấu lại ngành: theo nhóm sản phẩm, theo từng lĩnh vực và sản xuất theo vùng. Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, kinh nghiệm sản xuất, những năm qua, Thái Bình đã chủ động trong công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng tập trung. Từ đó hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước thay đổi tư duy nhỏ lẻ sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Đến nay, trong toàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa (lúa giống, lúa thương phẩm) tập trung cùng một giống với quy mô hàng trăm héc-ta/vùng; vùng rau gia vị, rau ăn lá xã Trung An (Vũ Thư); vùng hành, tỏi xã Thụy Trường (Thái Thụy); vùng mít dai vàng xã Hà Giang (Đông Hưng); vùng mít xã Châu Sơn, vải xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ); vùng trồng ớt xã Hồng Minh, vải, nhãn xã Hồng An (Hưng Hà)… Đây là tiền đề cơ bản để đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ hiện đại vào sản xuất và xây dựng chuỗi liên kết, cân đối cung – cầu, tránh điệp khúc “được mùa, mất giá”. Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 29.787 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2022, đạt kế hoạch đề ra, trong đó: giá trị sản xuất trồng trọt đạt 12.254 tỷ đồng, tăng 0,6% so với năm 2022; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 10.426 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2022; giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 5.938 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2022.
Vùng trồng cây ngưu tất xã Thống Nhất (Hưng Hà).
Bám sát quy hoạch để phát triển bền vững
Là tỉnh có truyền thống nông nghiệp, thủy sản, Thái Bình có nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào cho ngành chế biến nông, lâm, thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Vị trí địa lý chiến lược trong vùng đồng bằng sông Hồng biến Thái Bình thành nơi trung chuyển lý tưởng cho các sản phẩm nông sản thô, nguyên liệu và chế biến. Chi phí nhân công thấp và tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tương đối nhanh so với trung bình cả nước đã giúp ngành phát triển ổn định trong các năm vừa qua. Gần đây, các cơ sở sản xuất tập trung với quy mô lớn, hàm lượng công nghệ tương đối cao đã bắt đầu hình thành với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài đã đem đến những chuyển biến tích cực.
Nằm tại trung tâm đồng bằng sông Hồng, Thái Bình có tiềm năng liên kết với các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam để hình thành và mở rộng tối đa vùng nguyên liệu tập trung cho chế biến nông, lâm, thủy sản. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định nông nghiệp vẫn là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Thái Bình hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng đồng bằng sông Hồng. Tập trung phát triển, hiện đại hóa sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông sản của tỉnh. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; tạo mối liên kết ngành và liên kết vùng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao. Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; phát triển nuôi trồng thủy sản ven bờ kết hợp với trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trên cơ sở điều chỉnh và kế thừa những thành quả đã có, bám sát Quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, thời gian tới, ngành nông nghiệp tham mưu cho tỉnh tiếp tục cơ cấu lại sản xuất theo 2 hướng: theo nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh, đặc sản địa phương) theo hướng gia tăng giá trị thông qua việc quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hình thức liên kết chuỗi có khả năng gắn kết giữa sản xuất với các cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh; có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại; ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng các chuỗi giá trị đồng bộ gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu sản phẩm và theo từng lĩnh vực cụ thể (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp), sản xuất nông nghiệp theo vùng nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của từng lĩnh vực, từng vùng và từng địa phương; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững giữa các địa phương trong tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng toàn ngành trung bình giai đoạn 2021 – 2030 đạt 2,2%/năm, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 2,5 – 4%/năm trong giai đoạn đến năm 2030; thu nhập người dân, cư dân nông thôn năm 2030 cao hơn 2 – 2,5 lần so với năm 2020.
Ngân Huyền
(còn nữa)