Cùng với Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà còn có 93 di tích cấp tỉnh, nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa không chỉ thể hiện tình yêu, niềm tự hào dân tộc sâu sắc mà còn góp phần quảng bá, phát triển du lịch, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội.
Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần là điểm đến để thế hệ hôm nay thêm hiểu biết về lịch sử dân tộc.
Tôn trọng, bảo tồn nguyên trạng yếu tố gốc của di tích
Ngày 16/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần nhằm bảo tồn, tôn tạo, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt tương xứng với vai trò của vương triều Trần trong lịch sử dân tộc và phát huy giá trị khu di tích, các khu vực khảo cổ có liên quan trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn đối với du khách khi về thăm Thái Bình. Từ đó, kết nối quần thể các điểm di tích gắn với vương triều Trần ở Thái Bình với các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác trong vùng tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện Hưng Hà nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung.
Phạm vi lập quy hoạch có diện tích 195,01ha. Tháng 8/2023, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo phương án quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, quy hoạch phải thể hiện nét khác biệt riêng có, ý nghĩa lịch sử của di tích; không gian khu lăng mộ, khu đền thờ phải tôn nghiêm, tĩnh lặng, các khu vực phụ trợ cần có cảnh quan hài hòa, phù hợp, bảo đảm yếu tố tâm linh, phát huy giá trị, quảng bá du lịch, tạo điều kiện để người dân cùng tham gia vào các hoạt động phục vụ văn hóa, du lịch địa phương.
Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Năm 2023, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã phối hợp với đơn vị tư vấn, huyện Hưng Hà tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần trên nguyên tắc tôn trọng và bảo tồn nguyên trạng yếu tố gốc của di tích, đồng thời mở ra một không gian mới, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình, hạng mục phụ trợ để kết nối các khu, điểm du lịch trong tỉnh với các khu, điểm du lịch trong nước phục vụ phát triển du lịch.
Tổng duyệt chương trình khai mạc lễ hội đền Trần 2024. Trong ảnh: Một cảnh trong vở diễn bán thực cảnh “Hùng oanh một cõi trời Nam”.
Thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 103-NQ/HU, ngày 10/12/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Hưng Hà có nhiều kết quả tích cực. Trong đó, đã từng bước hình thành các điểm, tuyến du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương. Hoạt động du lịch đã từng bước đi vào nền nếp, tại một số điểm du lịch đã có tổ thuyết minh giới thiệu về những sự kiện lịch sử liên quan đến di tích, qua đó tạo điều kiện cho du khách thập phương, nhân dân địa phương có thêm hiểu biết về giá trị, ý nghĩa của các điểm du lịch, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích trong đời sống đương đại.
Thường xuyên có mặt tại Di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần để đón tiếp du khách về dâng hương, vãn cảnh, trong những ngày lễ hội đền Trần, công việc của Nghệ nhân ưu tú Vũ Xuân Thắng, thành viên Ban Quản lý di tích càng thêm bận rộn.
Chia sẻ về những điểm mới trong lễ hội truyền thống năm nay, Nghệ nhân ưu tú Vũ Xuân Thắng cho biết: Mỗi kỳ lễ hội truyền thống, khu di tích đón tiếp hàng vạn du khách về dâng hương, tế lễ và tìm hiểu lịch sử dân tộc. Mong muốn thông qua lễ hội du khách gần xa sẽ hiểu hơn về những dấu mốc lịch sử của dân tộc và mỗi người dân địa phương thêm tự hào về quê hương mình là nơi phát tích của một vương triều hùng mạnh.
Là một trong những du khách du xuân tại đền Trần trong dịp diễn ra lễ hội truyền thống, bà Mai Thị Vui, thành phố Hà Nội cho biết: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đoàn chúng tôi về dâng hương, tưởng nhớ công lao to lớn của các vị vua triều Trần tại đền Trần ở Thái Bình, thấy khung cảnh rất đẹp, không khí rất vui tươi, phấn khởi hướng đến lễ hội lớn. Đoàn sẽ trở lại khu di tích để hòa mình vào không khí lễ hội truyền thống, trải nghiệm những hội thi dân gian.
Ông Đinh Bá Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà thông tin: Chúng tôi đang tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, tăng cường quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển du lịch; đẩy mạnh xúc tiến thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu du lịch… Bên cạnh đó, gắn du lịch Hưng Hà với du lịch của tỉnh, của vùng miền và cả nước; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách; kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các di tích…, sớm đưa Hưng Hà trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh.
Hiện nay, huyện Hưng Hà đang xây dựng nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2030. Sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân cùng tiềm năng, lợi thế sẵn có, đặc biệt với khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần tại xã Tiến Đức là điểm đến nổi tiếng cùng với lễ hội theo quy mô cấp tỉnh diễn ra hàng năm sẽ đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng gắn với phát triển dịch vụ, thương mại trên địa bàn huyện.
Du khách dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các vua Trần.
Tú Anh