Tích tụ, tập trung đất đai trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu nhằm kiến tạo nền nông nghiệp hiện đại. Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích tụ, tập trung đất đai .
Tích tụ, tập trung đất đai mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, giảm chi phí đầu vào khoảng 2,6 triệu đồng/ha.
Cánh đồng lớn – hiệu quả lớn
Gia đình ông Phạm Hồng Sơn là hộ tích tụ đất nhiều nhất ở xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ) với 40ha, trong đó khoảng 70% diện tích liền vùng, liền thửa. Hơn 10 năm thuê, mượn ruộng cấy lúa, đến nay việc sản xuất đã ổn định. Ông Sơn chia sẻ: Trồng lúa theo quy mô lớn mang lại lợi nhuận rất rõ rệt do áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất từ đó giảm chi phí. Mỗi sào trồng lúa theo quy mô lớn lãi từ 300.000 – 500.000 đồng/vụ, vụ mùa năm nay giá thóc cao nên mức lãi cũng cao hơn. Với 40ha, mỗi vụ tôi thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Vụ mùa năm 2023 là vụ đầu tiên người dân thôn Trà Lý, xã Đông Quý (Tiền Hải) sản xuất 1 giống lúa, 1 thời vụ trên cánh đồng bằng phẳng không còn ranh giới của ô, thửa. Gắn bó với đồng ruộng hơn nửa cuộc đời, đã quen với từng gốc rạ, bờ mương nhưng chưa khi nào, bà Vũ Thị Thể, thôn Trà Lý được chứng kiến sự đổi thay lớn cả trên quy hoạch đồng ruộng lẫn trong tư duy sản xuất như bây giờ. Bà chia sẻ niềm vui: Vụ mùa tôi cấy 18 mẫu ruộng, trong đó 10 mẫu cấy giống lúa TBR39 tại vùng tập trung. Tính ra thời gian từ làm đất, gieo cấy rút ngắn một nửa so với trước. Không chỉ liền thửa, chúng tôi đã sản xuất đồng loạt giống lúa TBR39, được hỗ trợ tiền giống, thóc gặt về được Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed thu mua nên chúng tôi rất phấn khởi. Tôi đã nghe ở nhiều địa phương làm cánh đồng lớn, đã từng ước ao một ngày được băng băng trên cánh đồng rộng lớn của chính mình. Nay mong muốn đã thành hiện thực, cả một cánh đồng xanh mướt, trải dài tít tắp.
Đây là hai điển hình tích tụ, tập trung đất đai (TTTTĐĐ) thời gian qua. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, đến tháng 7/2023 có 1.968 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện TTTTĐĐ với tổng diện tích (trong sản xuất trồng trọt) 8.045,4ha; bình quân 4,08 ha/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. 4 huyện đi đầu trong phong trào tích tụ ruộng đất là Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Kiến Xương, Vũ Thư. Các hình thức TTTTĐĐ hiện nay chủ yếu là cho thuê, mượn ruộng (chiếm hơn 90% tổng diện tích tích tụ, tập trung); chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; xây dựng cánh đồng lớn, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản – hình thức tích tụ góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc TTTTĐĐ để sản xuất trồng trọt đã tạo hiệu quả rõ rệt về kinh tế, giảm chi phí đầu vào khoảng 2,6 triệu đồng/ha, thuận lợi để đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất nông nghiệp, thực hiện đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, bảo quản, bảo đảm sản lượng, tỷ lệ đồng đều về chất lượng, mẫu mã nông sản cao, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thu mua và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng liên kết.
Vùng sản xuất một giống lúa gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm thôn Trà Lý, xã Đông Quý (Tiền Hải).
Nhiều cơ chế kích cầu
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình: “Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng theo nhu cầu của thị trường. Tập trung quy hoạch các vùng sản xuất và tổ chức sản xuất theo phương thức hợp tác, liên kết, hình thành các HTX kiểu mới để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với hoạt động chế biến và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp. Có cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất, các hình thức góp vốn trong sản xuất nông nghiệp…”. Thực hiện chủ trương khuyến khích TTTTĐĐ để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ TTTTĐĐ; mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2025.
Mới đây, ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ TTTTĐĐ để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý như điều kiện về thời gian, diện tích tích tụ được hỗ trợ có sự điều chỉnh so với Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND. Mức kinh phí hỗ trợ đối với UBND cấp xã có diện tích đất tích tụ, tập trung trên địa bàn quản lý tăng từ 1 triệu đồng/ha lên 1,5 triệu đồng/ha, cơ sở thôn cũng được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha… Đặc biệt, ngoài chính sách hỗ trợ người dân có quyền sử dụng đất, tại nghị quyết này, các đối tượng thực hiện TTTTĐĐ cũng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như hỗ trợ 1.000 đồng/m2 để cải tạo đất, cải tạo mặt bằng vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống đường giao thông trong vùng sản xuất, hỗ trợ 100% chi phí xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ 50% chi phí xây dựng nhà màng, nhà lưới…
Ông Bùi Văn Nhuyên, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Duyên (Thái Thụy) cho biết: Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND tạo cơ chế tốt nhất cho các gia đình có điều kiện tích tụ ruộng đất; với chủ trương này, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền cán bộ, đảng viên và nhân dân, các gia đình không có điều kiện sản xuất sẽ cho mượn hoặc chuyển nhượng các phần diện tích vùng đó để tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân có thể TTTTĐĐ.
Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND và hướng dẫn liên ngành ban hành vào thời điểm sản xuất vụ mùa đã kết thúc. Do đó, các cơ chế hỗ trợ theo nghị quyết này sẽ áp dụng từ vụ xuân năm 2024. Mang tính tổng thể, bao quát được hầu hết các đối tượng, nội dung hỗ trợ tương đối cao, hấp dẫn, người dân kỳ vọng Nghị quyết số 08 sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, thúc đẩy quá trình TTTTĐĐ, phục vụ sản xuất hiệu quả hơn.
Ngân Huyền