Cách đây 195 năm, từ thành quả của công cuộc đại khẩn hoang có quy mô lớn nhất trong lịch sử dân tộc do Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ chỉ huy ở vùng đất bãi Tiền Châu, một huyện mới mang tên Tiền Hải đã được thành lập. Theo từ điển Hán Việt thì Tiền Hải nghĩa là biển tiền.
Bãi biển Đồng Châu, xã Đông Minh (Tiền Hải). Ảnh khai thác internet
Gần hai thế kỷ qua, có cứng mới đứng đầu sóng. Ở nơi biển tiền này “dù trong nắng trong mưa, lúa vẫn lên xanh tốt, dù trong bom trong đạn đất vẫn cứ sinh sôi”. Sự nghiệp mở đất và giữ đất ở Tiền Hải liên tục được cha truyền, con nối. Biển khơi ngày một lùi xa. Những làng xã mới nối nhau được lập thêm theo từng thập kỷ.
Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ là người đã chôn nhau cắt rốn ở huyện đường Quỳnh Côi khi cha của mình đang làm tri huyện. Ông vừa là một Tham tướng đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, vừa là một Doanh điền sứ khai sáng ra huyện Tiền Hải. Chính từ việc dấn thân vào đánh dẹp nông dân khởi nghĩa mà Nguyễn Công Trứ đã thấm sâu hơn nỗi lo nước thương dân. Bởi ông đã nhận ra rằng, người nông dân cùng cực vì thiếu ruộng đất áo cơm nên mới phải tụ tập nhau nổi loạn. Cũng chính nhờ đi đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành mà vùng đất Tiền Châu hoang vu nhưng đầy tiềm năng đã lọt vào con mắt xanh của nhà Nho tài tử vốn hằng ấp ủ hoài bão lớn “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”.
Vào cuối năm 1827, sau khi đánh dẹp xong cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, Nguyễn Công Trứ đã dâng sớ xin triều đình cho về mở cuộc đại khẩn hoang ở bãi biển Tiền Châu. Được triều đình chấp thuận, tháng 3/1828, Nguyễn Công Trứ đã về Tiền Châu đích thân chỉ huy cuộc đại khẩn hoang với những kế sách độc đáo và táo bạo để yên dân.
Diệu huyền thay! Chỉ trong vòng sáu tháng, hàng trăm ki-lô-mét sông, đê đã được đào đắp theo một hệ thống thủy nông khá hoàn chỉnh. Hàng vạn mẫu ruộng hoang hóa được thau chua, rửa mặn. Hàng trăm trại, ấp, lý, giáp mới đã mọc lên. Tháng 9/1828, công cuộc khẩn hoang cơ bản hoàn thành. Theo lời tâu của Nguyễn Công Trứ, triều đình nhà Nguyễn đã phê chuẩn thành lập một huyện mới mang tên Tiền Hải.
Đúng 30 năm sau ngày huyện Tiền Hải được thành lập thì thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Cả nước sục sôi, mài gươm chống quân xâm lược. Vào thuở ấy, làng Trình Phố nổi danh có hai người con kiên trung chống Pháp là Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích và Cử nhân Bùi Viện.
Khi huyện Tiền Hải ra đời đúng 100 năm, cũng là lúc ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá vào Việt Nam đã về đến quê hương Tiền Hải. Làng Trình Phố là nơi ươm gieo những hạt mầm đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trao truyền qua đồng chí Vũ Trọng từ lớp tập huấn tại Quảng Châu (Trung Quốc). Vào tháng 7/1929, chi bộ Đảng cộng sản Trình Phố là một trong hai chi bộ đầu tiên ở Thái Bình được thành lập. Khi Đảng ta ra đời vào ngày 3/2/1930 thì các tổ chức cơ sở đảng ở Tiền Hải đã có ảnh hưởng sâu rễ bền gốc trong lòng dân. Đó chính là cơ sở để tổ chức và lãnh đạo cuộc biểu tình kinh thiên, động địa của hàng nghìn nông dân Tiền Hải vào sáng ngày 14/10/1930. Đây là sự kiện tạo nên dấu son chói lọi trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh trong năm đầu thành lập, trở thành niềm tự hào vĩnh hằng đối với các thế hệ cư dân Tiền Hải.
Sau cao trào 1930 – 1931, Đảng ta phải chuyển hướng hoạt động nhằm bảo tồn lực lượng. Đằng đẵng suốt hơn 10 năm, nằm gai nếm mật, ngọn lửa cách mạng của Tiền Hải vẫn tiếp tục được thắp sáng dưới các hình thức khác nhau để chờ thời cơ nổi dậy.
Thế rồi, Cách mạng mùa thu Tháng Tám đã đến, sáng ngày 22/8/1945, hàng nghìn quần chúng từ khắp các ngả đường kéo về huyện lỵ giành chính quyền cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trước cổng huyện đường, báo hiệu một kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc đã đến với quê hương Tiền Hải.
Đất nước độc lập. Sống trong không khí hòa bình chưa được bao lâu thì giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 4/3/1950, giặc Pháp tiến quân đánh chiếm Tiền Hải và nhanh chóng dựng đồn bốt trên toàn địa bàn huyện. Giặc Pháp cùng với bọn phản động tề nguỵ đã điên cuồng mở nhiều đợt càn quét ác liệt đẩy chúng ta vào thế bị động để tiêu diệt lực lượng. Biết bao nhiêu máu xương đổ xuống, biết bao nhiêu nhà cửa, xóm làng bị thiêu trụi.
Các lực lượng vũ trang và nhân dân trong huyện đã trải những ngày gian khổ ác liệt chưa từng thấy. Bằng tinh thần quả cảm và ý chí quật cường, sau hơn 4 năm đánh địch trên quê hương, chiến công nối tiếp chiến công được ghi trên các trang sử hào hùng của huyện. Đến ngày 20/1/1954, giặc Pháp phải chấm dứt càn quét. Tiền Hải sạch bóng quân thù, hòa bình được lập lại.
Tiếp nối truyền thống của cha ông, sự nghiệp khai hoang, phục hóa, quai đê lấn biển được duy trì và đẩy mạnh. Các làng xã mới nối nhau ra đời với những địa danh gắn với khát vọng của con người Tiền Hải như: Hưng – Thịnh – Phú – Cường. Trong vòng nửa thế kỷ qua, bình quân cứ 10 năm, Tiền Hải lại lập thêm được một xã mới.
Theo dõi những bước đi lên của Tiền Hải, ngày 26/3/1962, Bác Hồ đã về thăm Hợp tác xã Nam Cường để động viên đồng bào khai hoang và cán bộ, nhân dân huyện Tiền Hải. Người ân cần chỉ bảo: “Muốn ăn cam thì phải trồng cam…”. Lời dặn đó của Bác đã được nhân dân Tiền Hải biến thành hiện thực.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Tiền Hải là một miền quê đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Thực hiện khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, hơn 20 nghìn thanh niên nối tiếp nhau lên đường tòng quân và đi thanh niên xung phong, mang cả truyền thống quê hương vào trận đánh.
Khi đế quốc Mỹ tiến hành leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc thì Tiền Hải là tiền tiêu, là pháo đài bên bờ Biển Đông. Thường xuyên phải đối mặt với máy bay, tàu chiến ngày đêm vào đánh phá. Hầu hết các xã bị triệt hạ. Thiệt hại về tính mạng và tài sản do bom đạn giặc Mỹ gây nên cho quê hương Tiền Hải thật khôn lường.
Chiến tranh ác liệt là thế nhưng trong những năm tháng chống Mỹ, quê hương Tiền Hải đã đóng góp cho Nhà nước hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại, Tiền Hải đã bắn rơi 12 máy bay, bắn cháy 4 tàu chiến Mỹ. Đại đội nữ dân quân anh hùng của Tiền Hải mãi mãi là niềm tự hào với truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.
Trong hàng ngũ tướng lĩnh của các lực lượng vũ trang có hàng chục con em của Tiền Hải mà tiêu biểu là Đại tướng Hoàng Văn Thái, vị Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là niềm tự hào vô cùng lớn lao của miền quê thượng võ, yêu nước, xứng danh huyện Anh hùng LLVT nhân dân.
Nửa thế kỷ qua, trên con đường đổi mới và hội nhập, những cụm công nghiệp lần lượt mọc lên giữa biển lúa vàng ở Tiền Hải. Những bãi ngao, đầm tôm cận kề chân sóng ngày càng phát triển thêm. Những vỉa khí nằm sâu dưới đáy biển đã và đang được khơi lên. Đặc biệt, Tiền Hải – biển tiền đang thật xứng với tên mình khi 16 xã của huyện đã lưu danh trên bản đồ Khu kinh tế Thái Bình theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2017.
Kế thừa và phát huy những thành quả, bài học kinh nghiệm từ truyền thống, mấy thập niên gần đây Tiền Hải đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử hình thành và phát triển. Vận hội mới đang đến với Tiền Hải. Khu kinh tế Thái Bình đang đi vào hoạt động, đường ven biển đang triển khai, những dự án lớn đang vẫy gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm về.
Nếu như trong truyền thống, Tiền Hải địa linh đã sản sinh ra những nhân kiệt như Nguyễn Quang Bích, Bùi Viện, Hoàng Văn Thái thì hôm nay Tiền Hải lại tiếp tục xuất hiện những người con ưu tú đã thành danh trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế – xã hội và an ninh, quốc phòng.
Hẳn là, trên chặng đường mới, Tiền Hải sẽ từ điểm tựa của truyền thống mà lập thêm những kỳ công mới để ngày thêm thật xứng với tên mình.
Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)