Ngày hội kết nối cung – cầu du lịch nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên có gần 500 sản phẩm được trưng bày tại 40 gian hàng. Trong đó có 25 gian hàng của các đơn vị trong tỉnh và 15 gian hàng của 7 tỉnh, thành phố trong nước (gồm: Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng, Bắc Kạn).
Với chủ đề “Hội tụ và lan tỏa giá trị, tinh hoa văn hóa vùng Việt Bắc”, các sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên được giới thiệu tại Ngày hội gồm có 240 sản phẩm OCOP từ 3 – 5 sao, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu nhằm xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Ngày hội còn diễn ra nhiều hoạt động như: Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm về du lịch nông nghiệp; chiếu phim tư liệu giới thiệu danh lam, thắng cảnh, văn hóa trà Thái Nguyên; trình diễn nghệ thuật pha trà, thưởng trà và trải nghiệm chế biến trà theo cách truyền thống…
Từng thành công với sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên còn chú trọng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà, giúp cải thiện sinh kế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người nông dân.
Thái Nguyên hiện nay có 6 vùng chè đặc sản gồm: Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), La Bằng (huyện Đại Từ), Trại Cài – Minh Lập (huyện Đồng Hỷ), Tức Tranh (huyện Phú Lương), Phú Ninh (huyện Định Hóa). Nhận thấy rõ được vị trí, vai trò của cây chè và văn hóa trà trong phát triển du lịch, tỉnh Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với các sản phẩm từ chè, văn hóa trà.
Hiện, Thái Nguyên đang tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn theo Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.