Ưu tiên đầu tư hạ tầng
Những ngày này, người dân ở xóm Bản Tèn (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ) háo hức đón niềm vui mới khi tuyến đường bê tông nội xóm mới hoàn thành. Tuyến đường có chiều dài 2,3km được khởi công từ năm 2023 với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình số 1719, ngân sách tỉnh, huyện và một số nguồn vốn hợp pháp khác. Trưởng xóm Bản Tèn Ngô Văn Chinh chia sẻ, hơn 10 năm qua, Bản Tèn liên tục được đầu tư xây dựng đường giao thông, trường học, kéo điện lưới quốc gia. Hiện, 100% đường giao thông của xóm đã được bê tông hóa. “Giờ đây, bà con không còn phải vất vả đi bộ ngược núi với đất đá lởm chởm hàng tiếng đồng hồ để về bản nữa; việc mua bán, trao đổi hàng hóa sẽ ngày càng thuận tiện hơn. Bà con rất phấn khởi và tin tưởng kinh tế ngày càng phát triển, đời sống sẽ khấm khá hơn”.
Tương tự, tại khu dân cư Đồng Ươm (xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai) – nơi từng là địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh, nay đã thay đổi nhờ những tuyến đường được cứng hóa, điện lưới quốc gia được kéo về từng hộ dân. Trao đổi với phóng viên, người Mông ở Đồng Ươm không giấu nổi niềm vui khi con trẻ có đường đến trường, nông sản làm ra có người đến tận nơi thu mua, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Không riêng Bản Tèn, tại nhiều xóm, bản ở địa bàn miền núi, vùng cao tỉnh Thái Nguyên cũng đã được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Điển hình tại huyện Võ Nhai, chỉ sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình số 1719 đã triển khai 40 công trình. Trong đó, tập trung vào đường giao thông nông thôn; kênh mương thủy lợi; chợ xã; trạm y tế; trường học; nhà văn hóa; sân thể thao. Hay như huyện miền núi Định Hóa cũng triển khai 37 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Trưởng Ban Dân tộc Phan Đức Cường cho biết, năm 2023, thực hiện Chương trình số 1719, đã có gần 100 công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng tại các địa bàn với số vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng. Các công trình đã hoàn thành đều phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thái Nguyên triển khai hàng chục công trình hạ tầng thiết yếu với mong muốn nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng khó.
Phát triển sản xuất tạo sinh kế bền vững
Bên cạnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, tỉnh thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn từ Chương trình số 1719 để hỗ trợ bà con thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, nhiều hộ DTTS ở xã Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ) được tiếp nhận bò giống từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Chủ tịch UBND xã Văn Lăng Hoàng Xuân Trường cho biết, 38 hộ nghèo, cận nghèo ở xóm Tam Va đã được hỗ trợ giống bò lai Sind sinh sản theo Chương trình 1719 và 33 hộ nghèo, cận nghèo của xóm Khe Mong được hỗ trợ bò giống lai Sind sinh sản theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân lên đến trên 2 tỷ đồng, bao gồm tiền hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật, đi học tập kinh nghiệm, quản lý dự án… Khe Mong và Tam Va đều là những xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, bà con rất phấn khởi khi được trao chiếc “cần câu” để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Không riêng gì Văn Lăng, người dân ở các xã ở miền núi, vùng cao của tỉnh cũng được hỗ trợ từ các Chương trình Mục tiêu Quốc gia như: giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, dự án có ý nghĩa khác. Nhờ đó, đồng bào DTTS, nhiều hộ dân ở miền núi, vùng cao của tỉnh có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2023, toàn tỉnh giảm 1% hộ nghèo (xuống còn 3,35% hiện nay), trong đó, giảm được 2,1% hộ nghèo vùng DTTS.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên Phan Đức Cường cho biết thêm, năm 2024, Chương trình số 1719 được triển khai trên địa bàn tỉnh với số vốn đầu tư lên đến trên 645 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ đất ở cho 27 hộ dân, hỗ trợ nhà ở cho 153 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho trên 1.200 hộ, đầu tư xây dựng 9 công trình nước sinh hoạt tập trung… Từ đó, góp phần duy trì mỗi năm giảm 2% hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi; 96% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Thái Nguyên đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và vai trò chủ thể của người dân tại các địa phương trong thực hiện Chương trình số 1719. Mặt khác, tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ đầu tư các dự án, tiểu dự án… phù hợp với tình hình thực tế.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/thai-nguyen-thay-ao-moi-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-i382480/