Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 2.400 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm tỷ lệ trên 33% trong hệ thống chính trị. Để nâng cao năng lực và phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ này, tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể. Một trong số đó là việc triển khai thực hiện đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2020-2025”.
Để triển khai hiệu quả đề án này, thời gian qua, các Sở, ban ngành của tỉnh Thái Nguyên (trong đó, Ban Dân tộc là đơn vị chủ trì, triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc và kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc) đã luôn quan tâm nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc.
Chương trình bồi dưỡng đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kỹ năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào DTTS. Đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát triển kinh tế – xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…Thông qua việc học tập, nâng cao trình độ, nhiều cán bộ là người DTTS đã phát huy tốt vai trò, năng lực tại cơ sở.
Trưởng thành từ cơ sở và giữ nhiều vị trí công tác của xóm, xã, năm 2019, anh Ma Đình Lương được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lam Vỹ, huyện Định Hóa. Ngay khi giữ cương vị này, anh được lãnh đạo xã tạo điều kiện để đi học tập, trau dồi, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt tốt tình hình nhân dân, vận dụng linh hoạt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với các phong trào, các cuộc vận động do MTTQ phát động đến với người dân một cách hiệu quả.
Anh Ma Đình Lương chia sẻ: “Là người DTTS sinh ra và lớn lên ở địa phương, trong quá trình làm việc tôi thường xuyên được các cấp ủy đảng của địa phương cũng như cấp huyện tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Cụ thể như việc tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2020-2025 đã giúp tôi trang bị bị kiến thức, kỹ năng tốt hơn, vận động bà con nhân dân cùng chung sức với địa phương trong huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới”.
Trong khi đó, ghi nhận tại xã Thần Sa – xã đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai cho thấy, những năm trở lại đây, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn có nhiều khởi sắc. Những tuyến đường bê tông vươn xa đến tất cả các xóm; hệ thống điện, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trạng, đảm bảo phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh…
Kết quả này có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. Bí thư Đảng ủy xã Thần Sa Lê Văn Thanh nhấn mạnh: Chúng tôi quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ xã, trong đó có các cán bộ là người DTTS tham gia các khóa, các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của huyện, của tỉnh… tổ chức để đảm bảo năng lực hoàn thành tốt nhiệu vụ.
Sau quá trình đào tạo, cán bộ được giao phụ trách xóm sẽ thường xuyên đi thực tế nắm tình hình, tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế. Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp xã của Thần Sa đều đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ có trình độ đại học chiếm hơn 70%…
Thực tế cho thấy, những năm qua, cùng với việc thực hiện đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2020-2025”, tỉnh Thái Nguyên luôn chủ động đổi mới hình thức, phương pháp, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo đó, ba năm qua, các sở, ban, ngành đã phối hợp tổ chức bồi dưỡng theo vị trí việc làm, chuyên môn nghiệp vụ cho trên 12,78 nghìn lượt cán bộ, công chức. Nhờ đó, đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, trong đó có cán bộ là người DTTS không ngừng được nâng lên khi số người có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm khoảng 96,4%.
Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS, cần phải có chương trình đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo tính đặc thù nhưng không tách biệt với công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung. Đồng thời, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS theo lộ trình, đảm bảo tính liên tục, kế thừa của các thế hệ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp. Cùng với đó, các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch, đề bạt bổ nhiệm cán bộ là người DTTS có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực quản lý… Từ đó khuyến khích họ phấn đấu, cống hiến ngày một tốt hơn.
Nguồn: https://baodantoc.vn/thai-nguyen-quan-tam-dao-tao-nang-cao-nang-luc-doi-ngu-can-bo-dtts-1716521249554.htm