Nhằm đảm bảo quy mô dân số hộ gia đình theo quy định, tạo cơ sở pháp lý cho việc tinh gọn bộ máy nhân sự, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động cơ sở… UBND tỉnh Thái Nguyên trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về sáp nhập 93 xóm, tổ dân phố để thành lập 45 xóm, tổ dân phố tại các xã, phường thuộc TP Phổ Yên và TP Sông Công, cùng 3 huyện Phú Lương, Võ Nhai và Đại Từ; đồng thời đổi tên tại 5 tổ dân phố.
Sau nháp nhập, tỉnh Thái Nguyên còn 2.206 xóm, tổ dân phố bao gồm 1548 xóm và 658 tổ dân phố, còn lại 20/66 xóm, tổ dân phố dưới 50% tiêu chuẩn, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá để thực hiện sáp nhập trong thời gian tới.
Đối với 45 xóm, tổ dân phố mới sau khi được sáp nhập có 18 đơn vị chưa đảm bảo tiêu chuẩn số hộ gia đình theo quy định. Trong đó có 5 xóm có quy mô hộ gia đình thấp, hầu hết là người dân tộc Mông, nằm tại các địa bàn miền núi, vùng cao, diện tích rộng, dân cư thưa thớt và giao thông đi lại khó khăn.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn còn nhiều xóm thuộc diện phải sáp nhập nhưng chưa thực hiện do yếu tố đặc thù; 3 xóm thuộc các xã của TP Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ đã thực hiện quy trình sáp nhập nhưng số hộ dân đồng tình chưa đảm bảo trên 50%; 10 xóm, tổ dân phố trên địa bàn các huyện: Võ Nhai, Đại Từ, Phú Bình và TP Sông Công đang được quy hoạch dự án khu dân cư, cụm công nghiệp hoặc định hướng phát triển du lịch sinh thái…
Bên cạnh đó, việc đổi tên tại 5 tổ dân phố: Rùa, Ao Cả, Kết hợp, Lai 1, Lai 2 thuộc 3 phường: Đông Cao, Tiên Phong, Thuận Thành của TP Phổ Yên được thực hiện theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân sinh sống tại đây. Lý do các tên gọi Quan Rùa, Cổ Pháp, Triều Lai thực chất là tên gọi cổ của các vùng này từ đời xưa. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, các xóm, làng trước đây đã được chia tách để thuận tiện cho công tác quản lý hành chính; đồng thời do thói quen của người dân thường gọi tắt nên đã hình thành tên gọi như hiện nay.
Đây là những nội dung trong Tờ trình số 97 ngày 19/8 của UBND tỉnh Thái Nguyên gửi HĐND tỉnh Thái Nguyên xem xét thông qua tại kỳ họp dự kiến diễn ra vào tháng 9/2024.
Giai đoạn từ năm 2018 – 2021, việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập các xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng đã được triển khai đồng bộ. Theo đó, tổng số xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giảm từ 3.032 xóm, tổ dân phố xuống còn 2.254 xóm, tổ dân phố (giảm 778 xóm, tổ dân phố; với gần 7000 người hoạt động không chuyên trách và người tham gia trực tiếp công việc ở xóm, tổ dân phố).
Nguồn: https://daidoanket.vn/thai-nguyen-de-xuat-sap-nhap-93-xom-to-dan-pho-con-45-don-vi-10288852.html