Thị trường thực phẩm Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho cộng đồng Hồi giáo) đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh ở khắp các châu lục. Trong đó, Thái Lan là một trong những quốc gia được đánh giá có nhiều cơ hội để phát triển dòng sản phẩm này do có nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản và thực phẩm đạt chất lượng.
Ngành Halal toàn cầu, bao gồm nhiều loại sản phẩm và dịch vụ như thực phẩm, mỹ phẩm, thời trang và du lịch, hiện là thị trường có giá trị 2.300 tỷ USD. Dự kiến, ngành công nghiệp này sẽ tăng lên 2.800 tỷ USD vào năm 2025 trong bối cảnh dân số Hồi giáo trên thế giới ngày càng tăng.
Khu vực Đông Nam Á – Nam Á – Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người. Đây là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á – Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD.
Với mục tiêu phát triển công nghiệp Halal, Bộ Công nghiệp Thái Lan đã thành lập Trung tâm công nghiệp Halal Thái Lan (THIC) nhằm thực hiện tham vọng của Chính phủ đưa Thái Lan trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halal. Theo Bộ trưởng Công nghiệp Pimpatra Wichaikul, bên cạnh việc thành lập THIC, Thái Lan cũng sẽ nâng cao các tiêu chuẩn và năng lực của các doanh nhân Halal trong nước. Bộ cũng sẽ thúc đẩy việc mở rộng xuất khẩu, bao gồm cả các thị trường toàn cầu tiềm năng.
Trước đó, nội các Thái Lan đã thông qua sáng kiến đưa nước này trở thành trung tâm sản phẩm Halal ở Đông Nam Á vào năm 2028, đóng góp thêm 1,2% (tương đương 1,49 tỷ USD) vào GDP. Lĩnh vực thực phẩm và đồ uống hiện chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 63% tổng giá trị thị trường. Thủ tướng Srettha Thavisin đã ký lệnh thành lập Ủy ban công nghiệp Halal quốc gia (NHIC) và giữ chức Chủ tịch, cùng với bà Nalinee Taveesin, đại diện Thương mại Thái Lan, chịu trách nhiệm phát triển ngành Halal và Bộ trưởng Công nghiệp Pimpatra là Phó Chủ tịch.
Mục tiêu của Chính phủ Thái Lan là nâng tầm Thái Lan trở thành trung tâm sản phẩm Halal vào năm 2028 tập trung vào 5 loại sản phẩm: thực phẩm, thời trang, dược phẩm – các sản phẩm thảo dược, ca cao, dịch vụ và du lịch. NHIC được giao nhiệm vụ xây dựng các chính sách và chiến lược phát triển cho các sản phẩm Halal, tích hợp “quyền lực mềm” độc đáo của Thái Lan, điều phối các chính sách, biện pháp và kế hoạch nhằm thúc đẩy hiệu quả sự phát triển ngành Halal của đất nước.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm halal của Thái Lan trong 11 tháng đầu năm 2023 là 217 tỷ baht (5,87 tỷ USD), tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn hàng xuất khẩu này thuộc nhóm thực phẩm Halal tự nhiên, bao gồm gạo, ngũ cốc và mía. Có 15.043 nhà sản xuất thực phẩm Halal và hơn 3.500 cơ sở thực phẩm Halal ở Thái Lan. Các sáng kiến sẽ được thực hiện thông qua các biện pháp chính là thúc đẩy nhu cầu, hỗ trợ cung cấp và nâng cao các tiêu chuẩn môi trường cũng như thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp Halal.
PHƯƠNG NAM
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/thai-lan-tang-toc-phat-trien-cong-nghiep-halal-post742335.html