Tờ The Nation ngày 28.11 dẫn lời một quan chức Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho hay cơ quan này đã phát triển thành công một kỹ thuật giúp phát hiện dư lượng ethylene oxide trong thực phẩm và nên kiểm tra mì ăn liền.
Ông Yongyos Thammawut, phó thư ký thường trực Bộ Y tế công cộng, cho rằng nên tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên đối với các sản phẩm mì ăn liền, sau khi Liên minh châu Âu (EU) gần đây phát hiện hóa chất này trong vani sử dụng trong hơn 10 công thức của một thương hiệu kem phổ biến.
Quan chức này cho biết ethylene oxide được xếp vào diện chất nguy hiểm theo Đạo luật Chất độc hại năm 1992. Hóa chất này không mùi và ban đầu được dùng để vệ sinh các thiết bị y tế không chịu được nhiệt độ cao.
Theo ông, chất này được phát hiện có thể gây ung thư do làm biến đổi gen và còn có thể ảnh hưởng hệ thống sinh sản. Việc tiêu thụ chất này cũng có thể gây kích ứng mắt, da và hệ hô hấp cũng như hệ thần kinh trung ương.
Ông cho biết EU đã cấm sử dụng ethylene oxide để khử trùng, nhưng một số nước vẫn cho phép sử dụng. Sắp tới, Thái Lan sẽ xếp bất kỳ thực phẩm nào bị ô nhiễm ethylene oxide vào diện thực phẩm kém chất lượng theo Đạo luật Tiêu chuẩn thực phẩm năm 1979.
Cục Khoa học y tế thuộc Bộ Y tế công cộng Thái Lan đã phát triển một kỹ thuật phát hiện dư lượng ethylene oxide gọi là phương pháp sắc ký khí – quang phổ khối (GC-MS). Đây là là phương pháp tiêu chuẩn được EU sử dụng để kiểm tra thuốc trừ sâu.
Ông Yongyos lưu ý thêm rằng hàng hóa nhập vào Thái Lan bởi các nhà nhập khẩu mì ăn liền có thể được kiểm tra ngẫu nhiên với chi phí 5.000 baht (3,5 triệu đồng)/mẫu.