Cục Đàm phán Thương mại Thái Lan cho biết nước này vẫn duy trì được vị thế là nước xuất khẩu nông sản lớn nhờ các hiệp định tự do thương mại (FTA).
Xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan sang các đối tác FTA trong năm 2023 đạt 167,20 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước do suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh lạm phát, lãi suất tăng và xung đột địa chính trị.
Mặc dù tổng lượng xuất khẩu sang các đối tác FTA giảm, xuất khẩu nông sản của Thái Lan vẫn tăng trưởng dương khi được các đối tác nhập khẩu miễn thuế.
Xuất khẩu nông sản của Thái Lan trong năm 2023 đạt 19,56 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022, trong khi xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp nông thôn lên tới 15,07 tỷ USD (541,54 tỷ baht), tăng 2%.
Xuất khẩu của Thái Lan sang các đối tác FTA chính như Trung Quốc và ASEAN lần lượt tăng 11% và 5%.
“Thái Lan là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu trong ASEAN và thứ 7 trên thế giới. Thái Lan cũng là nước xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nông thôn đứng thứ 3 trong ASEAN và thứ 11 trên toàn cầu”, Cục trưởng Cục Đàm phán Thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Chotima Iemsawasdikul cho biết.
Bà giải thích rằng xuất khẩu trái cây đông lạnh và sấy khô của Thái Lan sang các đối tác FTA đã tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, những tăng trưởng xuất khẩu phải kể đến:
– Gạo, tăng 92% sang các nước Indonesia, Philippines và Malaysia.
– Gà đông lạnh, tăng 19% sang Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia.
– Cà phê, tăng 43% sang Campuchia, Nhật Bản và Trung Quốc.
– Đường, tăng 14% sang Indonesia, Philippines và Hàn Quốc.
– Trái cây đóng hộp, tăng 9% sang Trung Quốc, Australia và Lào.
– Kem, tăng 11% sang Malaysia, Hàn Quốc và Việt Nam
Là chìa khóa để thúc đẩy năng lực cạnh tranh xuất khẩu trên thị trường thế giới, Thái Lan hiện có 15 FTA, đối với hơn 85% mặt hàng của nước này.
“Sri Lanka là đối tác FTA mới nhất của Thái Lan và nhiều thỏa thuận đã được đã được triển khai trong năm 2024 để đảm bảo lợi ích tối đa cho hoạt động xuất khẩu của Thái Lan”, bà Chotima nói.
Theo Cục trưởng Chotima, Thái Lan dự kiến sẽ kết thúc đàm phán FTA Thái Lan – EFTA vào tháng 4/2024, với mục tiêu ký kết hiệp định vào tháng 6. EFTA bao gồm 4 quốc gia là Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein.
Bà cũng cho biết FTA cuối cùng dự kiến được ký trong năm nay là FTA ASEAN – Australia – New Zealand, thể hiện sự nâng cấp so với hiệp định hiện tại, bao gồm nhiều loại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư hơn.
Căn cứ vào kế hoạch đàm phán của Bộ Thương mại Thái Lan cho năm 2024, Cục trưởng Chotima nhấn mạnh các kế hoạch đang được tiến hành để đẩy nhanh đàm phán các FTA, trong đó FTA Thái Lan – Liên minh châu Âu (EU) là ưu tiên hàng đầu của chính phủ với mục tiêu là kết thúc đàm phán trong năm 2025.
Bên cạnh đó, bộ cũng có kế hoạch bắt đầu đàm phán các FTA bổ sung, chẳng hạn như FTA Thái Lan – Hàn Quốc và FTA Thái Lan – Bhutan. Các cuộc đàm phán với các quốc gia này dự kiến sẽ bắt đầu vào quý 2 năm nay.