Thời bao cấp có lẽ là giai đoạn mà thái độ làm việc của người lao động được thể hiện rõ nét nhất. Thời ấy, kết quả làm việc được quy ra điểm để chấm công. Nhiều điểm thì nhiều công. Tuy nhiên, với phương thức làm việc tập thể mà nhiều người từng bùi ngùi bảo “cha chung không ai khóc”, một số lớn người lao động làm việc kiểu cầm chừng, thậm chí có mặt chỉ để điểm danh chấm điểm chứ không cần biết làm được việc gì hay không.
Ông nội tôi kể: Ruộng đất, trâu bò, đến cái cày, cái cuốc… cũng của hợp tác xã tất. Ai đi cày, ai chăn nuôi, ai đắp bờ, nhổ mạ đều do hợp tác xã phân công. Mỗi sáng, khi tiếng kẻng vang lên, bà con đủng đỉnh ra đồng làm việc, chưa hết giờ làm lại ngóng kẻng ra về. Người nông dân không quan tâm đến chất lượng công việc, lúa tốt, xấu cũng mặc kệ, họ chỉ lo đầy công.
Sau mỗi buổi làm việc, xã viên quay về hợp tác xã lấy phiếu chấm công, cứ 10 điểm tương đương một công. Ví dụ, cày một sào ruộng được tính 10 điểm, kể cả đắp bờ, nhổ mạ cũng quy ra điểm. Vì tính công theo kiểu cào bằng nên người dân có tâm lý lười nhác, làm chiếu lệ. Có anh cày một đường, bỏ một đường, đắp bờ có khi chỉ be bốn góc rồi về báo cáo lấy điểm. Nói chung, người dân không có động lực sản xuất nên năng suất lao động rất thấp…
Thời bây giờ, thái độ làm việc của người lao động, đặc biệt là trong khối nhà nước cũng có nhiều chuyện đáng bàn. Với thái độ làm việc kiểu lừng chừng, lười suy nghĩ, ngại khó, ngại khổ, một bộ phận đáng kể công chức, viên chức đã góp phần quan trọng làm… giảm động lực phát triển của xã hội.
Vì sao lại có chuyện như vậy? Có rất nhiều nguyên nhân. Nào là do bản thân có quan hệ chỗ này chỗ nọ, rồi khéo léo được lòng cấp trên, nằm trong biên chế nhà nước nên hiển nhiên hưởng lương đều đặn... Thực sự là với những người này, trình độ chưa bao giờ được coi là vấn đề đáng kể. Thậm chí, càng có trình độ càng phải làm nhiều, để phần hưởng thụ cho những người có “thái độ” tốt.
Chính vì vậy, cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang diễn ra rất khẩn trương hiện nay là cơ hội hiếm có, là thời cơ không thể tốt hơn để loại bỏ những thành phần làm việc với thái độ lừng chừng.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, bối cảnh đất nước hiện nay không có chỗ cho cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân. "Những ai tự thấy mình không đáp ứng yêu cầu thì tự rút lui, nhường chỗ cho người khác xứng đáng hơn. Tự nguyện đứng về phía sau vì sự nghiệp phát triển cũng là hành động bản lĩnh, dũng cảm, đáng được khen ngợi…”.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, hiện nay, thực trạng đội ngũ công chức ở tình trạng vừa thừa, vừa thiếu; tình trạng né tránh, đùn đẩy, không dám nghĩ, dám làm; tâm lý "đã vào nhà nước là an toàn", "tình trạng công chức suốt đời", cơ chế đào thải không đủ mạnh (quy định 2 năm liên tiếp bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ mới bị chấm dứt hợp đồng làm việc).
Ngay ở tỉnh ta, dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhưng tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm; đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang cơ quan khác vẫn còn xảy ra.
Biểu hiện phổ biến là né tránh những việc khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực thi công vụ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; chậm trễ giải quyết, để tồn đọng công việc; trả lời, hướng dẫn không rõ quan điểm, chính kiến của tổ chức, đơn vị mình; tìm cách đẩy việc hoặc hỏi xin ý kiến những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm.
Hậu quả là quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Do vậy, việc xây dựng được cơ chế sàng lọc công chức là rất cần thiết, không chỉ khắc phục bất cập hiện nay, tạo ra cơ chế để sàng lọc và thay thế những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, mà còn nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ. Trong đó khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Chỉ khi xây dựng được cơ chế sát hạch công chức hợp lý, vận hành hiệu quả, chúng ta mới có được một đội ngũ công chức tinh thông nghiệp vụ, có chất lượng cao, đủ năng lực và phẩm chất để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, không để cơ quan nhà nước là “vùng trú an toàn” cho cán bộ yếu kém.
Đồng nghĩa với việc phải lựa chọn cán bộ đúng, trúng, tránh tình trạng tinh giản không đúng đối tượng. Có những bộ phận thừa biên chế, có những viên chức yếu cả về năng lực, trình độ, phẩm chất, lẽ ra phải tinh giản nhưng không thực hiện, trong khi đó lại “tinh giản” ở những bộ phận, lĩnh vực thực sự cần thiết, thậm chí đang thiếu người làm việc, để đạt được mục tiêu.
Muốn vậy, phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Cần đánh giá, sử dụng đúng cán bộ; lưu ý sắp xếp để tránh “người tài xin nghỉ, người dở ở lại”; lựa chọn giữ được tinh hoa trong bộ máy, những người thật sự tâm huyết, có đóng góp, có kinh nghiệm, có bản lĩnh.
Quang Nam
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126817/Thai-do-lam-viec
Bình luận (0)