Hoạt động với quy mô lớn, đầu tư bài bản, chuyên môn hóa cao, có sự liên kết mật thiết giữa các lĩnh vực giúp THACO luôn tìm ra những cơ hội đầu tư mới để nâng cao hiệu quả kinh doanh của toàn Tập đoàn.
Toàn cảnh nhà máy của THACO.
Bàn đạp từ cơ khí chế tạo
Sơ mi rơ moóc thương hiệu Thaco Trailers là sản phẩm cơ khí đang được THACO dồn lực đầu tư để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu.
Trước đó, dựa trên nền tảng sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ có từ khi thành lập để phục vụ ngành ô tô hồi đầu, đồng thời khai thác “dư địa” thị trường, THACO quyết định đầu tư nghiên cứu sản xuất sơ mi rơ moóc, cung ứng trong nước và xuất khẩu từ năm 2014.
Sau quá trình đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm, năm 2020, Thaco Trailers đã xuất khẩu lô sơ mi rơ moóc đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Nhận được phản hồi tích cực về chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, năm 2022, Tập đoàn đầu tư nhà máy mới có công suất 30.000 sản phẩm/năm, với hệ thống trang thiết bị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, nhằm chinh phục những thị trường xa hơn và lớn hơn.
Không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa cấu hình sản phẩm, Thaco Trailers đã thâm nhập thị trường tiềm năng này bằng những đơn hàng lớn, tạo đà mở rộng kinh doanh tại các nước Bắc Mỹ (Canada, Mexico). Đồng thời cũng sản xuất, cung ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu tại các thị trường khác là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tính từ năm 2020 đến nay, Thaco Trailers đã xuất khẩu sang các nước gần 13.000 sơ mi rơ moóc.
Đầu tháng 9/2024, Thaco Trailers mang đến Triển lãm IANA Intermodal EXPO 2024 tại Bắc Mỹ các sản phẩm sơ mi rơ moóc chất lượng cao, cấu hình chuyên biệt và chuyển tải thông điệp “Vietnam Origin – America Standards” (xuất xứ Việt Nam – tiêu chuẩn Mỹ). Đây chỉ là một ví dụ cho thấy khả năng khai thác và phát huy được cao nhất ngành cơ khí chế tạo – một hạ tầng sản xuất của ngành ô tô tại THACO.
Trong năm 2024, THACO xuất khẩu gần 140 triệu USD thông qua bán sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI làm hàng xuất khẩu.
Không buông lơi ngành cơ khí chế tạo dù đang có những xu hướng hấp dẫn hơn, THACO tiếp tục triển khai khu công nghiệp sản xuất cơ khí công nghiệp hỗ trợ tại miền Nam.
Theo doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO, Việt Nam có thể sản xuất 35-40% chi tiết, linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp FDI sử dụng ở các sản phẩm được gia công tại Việt Nam. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm cơ khí chế tạo được thực hiện bởi lao động giản đơn, vì vậy, rất cần sự hỗ trợ để tận dụng và phát triển ngành này.
Tại THACO, cơ khí chế tạo là nền tảng quan trọng cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô, nhưng không chỉ dừng lại ở ngành ô tô, cơ khí chế tạo được mở rộng để phục vụ nhiều lĩnh vực khác nhằm tối ưu hóa việc đầu tư trang thiết bị máy móc, đồng thời tạo nguồn để tiếp tục đầu tư những máy móc chuyên sâu.
Cũng chính sự chủ động trong cơ khí chế tạo mà THACO có thể sản xuất các xe máy, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến sản phẩm nông sản, nhờ đó, lợi thế về chi phí cũng gia tăng, tạo thêm sức cạnh tranh cho lĩnh vực nông nghiệp quy mô lớn của mình.
Trong thông điệp phát đi hồi đầu năm 2024, dù nhận định kinh tế thế giới cũng như trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tiêu dùng ở mức thấp, nhưng Chủ tịch Trần Bá Dương vẫn công bố những kế hoạch đầu tư mới, nhất là cho mảng cơ khí chế tạo, ô tô và nông nghiệp. Cùng với đó là kế hoạch tuyển dụng mới khoảng 15.000 nhân sự cho toàn THACO Group.
Hơn 70.000 tỷ đồng đầu tư nông nghiệp để tạo đột phá mới
THACO đang theo đuổi chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tích hợp tuần hoàn trên nền tảng hữu cơ trên diện tích khoảng 84.000ha tại Việt Nam, Campuchia, Lào qua thương vụ M&A với Hoàng Anh Gia Lai và 6.000 ha mua thêm sau đó.
Ông Trần Bá Dương cho hay, THACO đã đầu tư 31.000 tỷ đồng tại Campuchia; 19.000 tỷ đồng tại Lào và 18.000 tỷ đồng trong nước.
Sau một thời gian tìm kiếm và thử nghiệm, mô hình phát triển nông nghiệp của THACO đã chốt theo hướng quy mô lớn, tích hợp tuần hoàn trên nền tảng hữu cơ.
Dù năm nay, THACO chỉ có doanh thu xuất khẩu khoảng 53 triệu USD và bán trong nước là 1.600 tỷ đồng, nhưng sang năm 2025, sẽ đạt doanh thu 300 triệu USD xuất khẩu và bán trong nước khoảng 2.500 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành đầu tư vào năm 2026, THACO kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu nông sản trong năm 2027.
Cũng bởi hoạt động sản xuất ô tô, cơ khí, nông nghiệp nhộn nhịp, nên dịch vụ logistics của THACO phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Hiện chân hàng qua cảng Chu Lai của THACO đạt 5 triệu tấn, tập trung là hàng container.
Lãnh đạo THACO cho hay, sẵn sàng đầu tư xây dựng mới bến cảng và nạo vét luồng với kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng bởi luồng tuyến hiện tại mới chỉ phục vụ được tàu 2 vạn tấn và tới 70% hàng là của công ty.
Không dừng lại với nhu cầu của riêng mình, ý tưởng tham gia đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT để tạo ra một số liên kết mới trong vùng và khu vực đã được hình thành ở THACO.
Viễn cảnh các tuyến liên kết mới như Bắc Campuchia – cao nguyên – miền Trung, trong đó có cảng Chu Lai, cảng Quy Nhơn hay Nam Lào – Kon Tum – cảng Chu Lai rồi tuyến Quảng Ngãi sang Quảng Nam để thêm chân hàng cho cảng Chu Lai khi mở rộng hay tăng mật độ giao thông qua những con đường sẽ được THACO đầu tư theo hình thức BOT như đã hứa với Thủ tướng Chính phủ, cho thấy sự bài bản và tính toán cẩn thận nhằm tối ưu hóa các cơ hội mới.
Nguồn: https://baodautu.vn/thaco-nhip-nhang-ke-hoach-dau-tu-moi-huong-moc-doanh-thu-1-ty-usd-xuat-khau-nong-san-d227179.html