Xuất khẩu thủy sản đối diện khó khăn
Theo Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2023 ước đạt 9,2 tỉ USD, đạt 92% so với kế hoạch, giảm 8% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm khoảng 3,45 tỉ USD, cá tra khoảng 1,9 tỉ USD, cá ngừ đạt 900 triệu USD, nhuyễn thể 800 triệu USD.
Ông Nhữ Văn Cẩn – Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 9,5 tỉ USD. Chỉ tiêu này được đặt ra trong bối cảnh Ủy ban châu Âu (EC) vẫn tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của Việt Nam. Do vậy, trong năm 2024 nhiệm vụ phát triển xuất khẩu thủy sản sẽ trở nên khó khăn hơn.
Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản – cho biết, ngành thủy sản còn phải đối mặt với những vấn đề, hạn chế tồn tại từ năm 2023. Trong đó có các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quan trắc môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ, hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, bảo quản sản phẩm chưa cải tiến. Hiệu quả của hoạt động khai thác còn thấp, nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường, gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm, giá bán sản phẩm cũng giảm, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm theo.
Ngoài ra, vấn đề cung ứng và kiểm soát con giống trong nuôi trồng và vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn còn nhiều tiềm ẩn ở các vùng nuôi, đặc biệt là tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL. Đáng nói một trong những mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu khá cao là tôm hùm lại đang gặp ách tắc tại thị trường Trung Quốc…
Xuất khẩu có thể trở lại mức 9,5 tỉ USD?
Dù còn nhiều khó khăn tuy nhiên Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm.
Hiệp hội này cho rằng, với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỉ USD – 10 tỉ USD năm 2024.
Nhận định về những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2024, Vasep cho rằng lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.
Xung đột Nga – Ukraia, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác trên thế giới chắc chắn làm xáo trộn thương mại toàn cầu trong đó có thủy sản. Hệ lụy sẽ làm chi phí vận tải tăng, các giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Cũng có thể gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024.
Tôm Việt Nam sẽ tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới nửa đầu năm. Tuy nhiên tồn kho cá tra tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề. Giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại ở các thị trường. Ngoài sản phẩm phile đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng.
Vasep nhấn mạnh, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất…