Mục tiêu giá trị xuất khẩu mới được tỉnh Tiền Giang điều chỉnh nhằm đảm bảo kế hoạch tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên của năm 2025 đạt 7 tỷ USD. Đây là con số không quá khó nếu như không có nhiều yếu tố tác động mang tính bất lợi gần đây.
Nhìn ở khía cạnh tổng thể, trong quý I-2025, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Tiền Giang đạt 1,4 tỷ USD, đạt 20% kế hoạch, tăng 1,5% so cùng kỳ; trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 88% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, từ số liệu đạt được cũng như ghi nhận từ thực tiễn mới thấy kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang sẽ đối diện với nhiều thách thức liên quan đến yếu tố địa chính trị, rào cản thương mại, thuế quan.
Tình hình xuất khẩu chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi hơn. |
Yếu tố đầu tiên liên quan đến nhóm ngành hàng rau quả xuất khẩu. Số liệu thống kê cho thấy, nhóm ngành hàng này trong quý I-2025 các doanh nghiệp Tiền Giang chỉ xuất khẩu đạt 7.868 tấn và đạt 18,7 triệu USD, giảm gần 27% về lượng và giảm gần 23% về trị giá. Một trong những nguyên nhân chính là do sự sụt giảm của xuất khẩu sầu riêng, một trong những loại trái cây chủ lực của Tiền Giang, đã góp sức cho tăng trưởng rau quả của Tiền Giang trong những năm gần đây.
Giá trị sầu riêng xuất khẩu sụt giảm phần lớn do Trung Quốc, một trong những thị trường chính, tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, đặc biệt là chất vàng O. Bởi theo thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sau 2 tháng đầu năm của cả nước chỉ đạt 14,7 nghìn tấn, với kim ngạch 52,7 triệu USD, giảm hơn 62% về lượng và giảm 69,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự sụt giảm trên chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc lao dốc gần 83% trong 2 tháng đầu năm, xuống chỉ còn 27,1 triệu USD. Thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam cũng giảm xuống còn hơn 51% từ mức gần 92% của cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những điểm đáng lưu ý là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, những ngày gần đây, những yếu tố bất lợi liên quan đến tình hình thuế đối ứng được Mỹ đưa ra cũng sẽ trở thành thách lớn nếu đi được đưa vào áp dụng chính thức.
Nhiều nhóm ngành hàng sẽ chịu tác động đối với chính sách thuế đối ứng của Mỹ. |
Bởi theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tỉnh Tiền Giang đạt hơn 6,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm gần 23%. Như vậy, nếu Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Tiền Giang sang Hoa Kỳ như: Thủy sản (đặc biệt là cá tra), trái cây (sầu riêng, nước dừa…), dệt may, giày dép… sẽ mất lợi thế cạnh tranh do giá tăng cao sau thuế. Nhiều đơn hàng từ Hoa Kỳ có thể bị hủy bỏ hoặc chuyển sang các quốc gia khác không chịu thuế.
Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác, xuất khẩu của Tiền Giang cũng có nhiều yếu tố thuận lợi ở những thị trường, ngành hàng khác. Tổng Giám đốc GODACO Nguyễn Văn Đạo phân tích, trong 3 tháng đầu năm xuất khẩu trong ngành thủy sản cả nước nói chung, GODACO nói riêng cũng đạt mức tăng trưởng từ 15%-20% ở hầu hết các nhóm chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh. “Nếu như không có những diễn biến bất thường của thị trường hay những bất lợi về thuế quan của thị trường Mỹ, tình hình xuất khẩu năm nay khả quan hơn. Nếu thuận lợi như thế, công ty sẽ đạt được mục tiêu theo như kế hoạch đề ra và Tiền Giang cũng sẽ đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng”- ông Nguyễn Văn Đạo phân tích thêm.
Với những gì đã, đang diễn ra và dự báo tình hình, Giám đốc Sở Công thương tình Tiền Giang Lưu Văn Phi cũng đưa ra nhận định, tất nhiên khi Hoa Kỳ áp mức thuế đối ứng đối với các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ tác động không chỉ đối với doanh nghiệp của Tiền Giang mà còn cả nước. Theo kế hoạch năm 2025, tỉnh Tiền Giang dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 7 tỷ USD nên việc áp mức thuế cao đối với hàng hóa Việt Nam của Mỹ cũng sẽ tác động lớn đến mục tiêu xuất khẩu của Tiền Giang. Chính vì thế, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang sẽ theo dõi sát tình hình để tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang đề ra những giải pháp thích hợp để hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu đã được đặt ra.
Tuy nhiên, thông tin mới nhất được đưa ra là Mỹ đã gia hạn áp dụng mức thuế đối ứng thêm 90 ngày đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều chuyên gia đưa ra nhận định, đây là khoảng thời gian quan trọng để thực hiện các giải pháp thương mại thông qua đàm phán. Điều này cũng để ngỏ hy vọng Mỹ sẽ thay đổi mức thuế suất đối ứng đối với hàng hóa các nước, trong đó có Việt Nam. Và nếu điều này diễn ra, thách thức xuất khẩu đối với doanh nghiệp Tiền Giang nói riêng, cả nước nói chung cơ bản được gỡ nút thắt.
TT
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202504/thach-thuc-xuat-khau-1039509/
Bình luận (0)