Trong những năm gần đây, hoạt động giao thông vận tải (GTVT) đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tuy nhiên đây cũng là ngành có phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng phát thải.
Khí thải giao thông – tác nhân gây hiệu ứng nhà kính
Theo thống kê của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), trong giai đoạn 2011- 2016, các hoạt động GTVT ở nước ta tiêu thụ một lượng lớn năng lượng, chiếm 30% tổng nhu cầu năng lượng quốc gia, 60% tổng nhiên liệu tiêu thụ và tăng 10% mỗi năm.
Trong đó, vận tải đường bộ tiêu thụ năng lượng lớn nhất, chiếm khoảng 68% tổng nhiên liệu của ngành. Trong đó, 90% nhiên liệu cho GTVT hiện nay là xăng và dầu diesel, chỉ 0,3% là nhiên liệu sạch.
Với việc tiêu thụ số lượng lớn nhiên liệu, các hoạt động GTVT đã phát thải lượng lớn khí nhà kính.
Hiện nay, trung bình mỗi năm hoạt động GTVT phát thải khoảng 30 triệu tấn CO2.
Trong đó, phát thải giao thông đường bộ chiếm 86%, đường sắt, đường thủy và đường hàng không chiếm 14%.
Quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông thải lượng lớn các chất như: Bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… gây ô nhiễm môi trường không khí.
Cụ thể, nồng độ bụi trong không khí (quý 2/2016) ở các TP như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… tại các nút giao thông cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3 – 5 lần; nồng độ khí CO, NO2 trung bình ngày ở một số nút giao thông lớn đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 – 1,5 lần.
Giải pháp giảm phát thải nhà kính
Để giảm khí thải carbon ra môi trường, phải dùng những nhiên liệu không có khí thải carbon, ví dụ như khí hóa lỏng, amoniac, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng tái tạo.
Tại hội thảo “Vai trò của vận tải xanh – Green Logistics trong xu thế quốc tế đương đại tăng trưởng xanh phát triển bền vững hướng tới Net zero 2050” chiều 15/10/2024 do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Báo Giao thông, Hiệp hội Logistics Việt Nam VLA tổ chức tại TP.HCM, TS Lê Ngọc Cầu, Phó viện trưởng Viện Khoa học Khí tưởng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho hay: “Bộ GTVT đã có mục tiêu và lộ trình chuyển đổi xanh để hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050″.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã nhấn mạnh logistics xanh là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo đó, các hoạt động này bao gồm: dịch vụ vận chuyền, xử lý và lưu trữ nguyên vật liệu, kiểm soát hàng tồn kho, kho bãi, đóng gói và các quyết định vị trí phân bổ hàng hóa…
Đứng về phía doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic, ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cũng cho rằng, hoạt động logistics nói chung, trong đó có vận tải đường bộ, hàng hải, hàng không, vận hành hệ thống kho bãi đều phát thải khí nhà kính.
Việc xanh hoá chuỗi logistics đóng vai trò quan trọng trong các giải pháp cắt giảm phát thải.
Hệ thống cảng Tân cảng Sài Gòn đang tích cực chuyển đổi xanh bằng việc thay thế các phương tiện bốc dỡ, trung chuyển dùng nhiên liệu hoá thạch sang dùng điện, sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời; áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất vận hành…
Tuy nhiên, để thực hiện được chương trình vận tải Xanh, đóng góp cho phát triển nền kinh tế xanh, theo ông Quỳ cần những yếu tố quan trọng: một là về thể chế; hai là hạ tầng; ba là con người.
Về thể chế, tất cả quy định, chính sách của nhà nước, Bộ ban ngành cần đảm bảo để hỗ trợ cho việc phát triển xanh.
Về hạ tầng, ở đây là về tài chính, cần đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là trang bị hạ tầng về công nghệ để áp dụng vào trong vận tải xanh. Và trong đấy, yếu tố năng lượng xanh, năng lượng sạch phải được ưu tiên hàng đầu.
Điều đặc biệt, những nhà quản trị, nhân lực của các tổ chức, các doanh nghiệp hướng tới phát triển xanh phải có sự đào tạo bài bản, lĩnh hội được nhiều kiến thức từ các nước tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực logistic xanh.
Thách thức với doanh nghiệp logistics trong chuyển đổi xanh
Việc chuyển đổi xanh ở một mắt xích như cảng biển không giải quyết được vấn đề mà cần sự đồng bộ của cả hệ sinh thái từ người sản xuất xanh, vận chuyển xanh, tiêu dùng xanh.
Rào cản lớn của việc chuyển đổi hiện nay là chi phí đầu tư cho công nghệ rất cao. Việc thay đổi thói quen của người vận hành, sử dụng công nghệ mới cũng rất khó khăn.
Mặt khác, dù mục tiêu của Chính phủ đã rõ ràng nhưng từng ngành, từng lĩnh vực vẫn chưa có tiêu chuẩn, lộ trình xanh hoá cụ thể.
Ông Quỳ cho biết, năng lượng xanh yêu cầu về công nghệ cũng như về con người để đảm bảo vận hành an toàn.
Như việc lưu trữ, chứa, phân phối những nhiên liệu mới amoniac, metanol.. đòi hỏi cả một hệ thống hạ tầng, con người cũng như là sự an toàn trong vấn đề công nghệ mới, đặc biệt như năng lượng điện.
Chính vì vậy, để chuyển từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh cần chi phí lớn.
“Đơn giản, một phương tiện vận tải đường bộ, như xe tải, nếu từ một phương tiện sử dụng nhiên liệu thông thường, nhiên liệu hóa thạch, để đầu tư vào xe điện hoàn toàn giá đã gấp đôi, hoặc gấp 2,5 lần”, ông Quỳ đưa dẫn chứng.
Dù vậy, các chính sách về chuyển đổi xanh hiện nay chưa rõ ràng; thiếu nguồn nhân lực đủ khả năng vận hành các hệ thống, công nghệ mới.
Nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh còn hạn chế là những rào cản khiến không ít doanh nghiệp loay hoay.
Chia sẻ nguồn lực tài chính cũng như cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Tuấn Phát, Giám đốc quan hệ Chính phủ và dịch vụ công Quỹ Asia Quỹ Capital Vietnam thông tin, hiện nay có các quỹ đầu tư từ Liên minh châu Âu, Hiệp hội doanh nghiệp Canada, Australia… với nguồn vốn hàng chục, thậm chí hàng tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh.
“Điều quan trọng là các Hiệp hội cần chủ động hơn trong tiếp cận các nguồn vốn này để giới thiệu cho doanh nghiệp”, ông Phát nói.
Ông Bùi Văn Quỳ cũng đồng tình với ý kiến trên, tuy nhiên, sẽ phát sinh vấn đề mà doanh nghiệp không mong muốn trong việc sử dụng nguồn vốn ấy.
Cụ thể, khi nhận được sự đầu tư từ các hiệp hội, quỹ nước ngoài, yêu cầu phải có những điều kiện. Tức là doanh nghiệp của Chính phủ đó phải có lợi ích vào dự án xanh này.
Ông Quỳ dẫn chứng: Chính phủ Nhật Bản có nguồn vốn để hỗ trợ chuyển đổi tàu chạy diezel sang chạy bằng điện hoặc chạy bằng hydro.
Nếu chúng ta tiếp cận được nguồn tài chính ấy thì các doanh nghiệp Nhật Bản phải tham gia vào trong liên doanh, liên kết này để cho các bên đều được hưởng lợi.
Đấy là khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp phải trong quá trình chuyển hóa xanh.
Tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn xanh cụ thể cho từng lĩnh vực để doanh nghiệp có cơ sở áp dụng.
Đồng thời, có những chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp mới phát triển (start up), để cùng chung tay vào cộng đồng phát triển chung nền kinh tế xanh của đất nước.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nguồn nhân lực có chuyên môn và cơ chế tài chính riêng phục vụ chuyển đổi xanh.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/thach-thuc-voi-doanh-nghiep-logistics-trong-chuyen-doi-xanh-192241017220936372.htm