Buổi tọa đàm về chuyển đổi số báo chí có sự tham dự của ông Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT cùng đông đảo đại biểu là đại diện cơ quan quản lý và lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Chương trình diễn ra với hai phần chính đó là các tham luận của Tập đoàn FPT, Báo Thanh Niên, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, Báo Sài Gòn Giải Phóng và phần thảo luận với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí – Cú hích bứt phá tương lai”.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã được lắng nghe những nội dung chia sẻ về thành tựu đạt được trong quá trình chuyển đổi số tại một số cơ quan báo chí. Bên cạnh đó là những thách thức đặt ra với các đơn vị trong thời đại số và nhận định về sự tác động của công nghệ trong lĩnh vực báo chí và cơ hội, giải pháp công nghệ trong tương lai. Cùng với đó, những trao đổi, thảo luận được các đại biểu đưa ra thẳng thắn, cởi mở, đóng góp giá trị nội dung sâu sắc, đa chiều.
Ông Trương Gia Bình cũng đã có những chia sẻ về sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ AI, tính ứng dụng trong các hoạt động khác nhau của đời sống xã hội nói chung và trong lĩnh vực truyền thông, báo chí nói riêng.
Qua những trải nghiệm gặp gỡ, làm việc cùng các đơn vị báo chí lớn trên thế giới, cùng những đánh giá cá nhân, Chủ tịch Tập đoàn FPT đã đưa ra dự báo về sự thay đổi của toà soạn số trong tương lai với những con số ấn tượng. Những ứng dụng công nghệ AI trong việc viết báo, tạo hình ảnh, sáng tác nhạc… được trình bày trong buổi tọa đàm cũng là một nội dung cuốn hút các đại biểu tham dự.
Với chủ đề “Đưa toàn bộ quy trình, hoạt động nghiệp vụ báo chí lên môi trường số”, ông Nguyễn Khắc Văn – Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đưa ra thông tin tổng quan về quá trình chuyển đổi số của đơn vị. Theo đó, Ban biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận thức rõ chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu phải tiến hành trong tất cả các hoạt động của cơ quan.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi số ở báo Sài Gòn Giải Phóng. Đơn cử như việc tờ báo chưa xây dựng được quy chế thực hiện các bước công việc trong quy trình làm báo chung của các ấn phẩm và báo online để các ban chuyên môn, phóng viên thường trú thực hiện nghiêm túc.
Bên cạnh đó, báo Sài Gòn Giải Phóng chưa có một hệ phần mềm ứng dụng hỗ trợ tổng thể hoạt động biên tập, xuất bản báo giấy tích hợp với báo điện tử. Các chương trình ứng dụng không phải là những phần mềm được thiết kế riêng cho hoạt động làm báo nên thiếu những chức năng để đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của công việc.
“Cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ phục vụ quy trình tác nghiệp và xuất bản của báo mặc dù có được cải thiện, nâng cấp, tuy nhiên hiện vẫn còn manh mún chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra trong việc nâng cao chất lượng hoạt động báo chí đa phương tiện. Trong khi đó, cơ quan báo lại đang gặp khó khăn về tài chính nên không thể tự trang bị được…”, lãnh đạo báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết.
Chia sẻ về trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng Biên tập Báo Thanh Niên cũng đưa ra thông điệp chuyển đổi số báo chí và truyền thông sẽ ngày càng giao thoa nhiều hơn trong một khái niệm mở rộng là nội dung số. Cùng nhau nhận diện những vấn đề về công nghệ báo chí – truyền thông sẽ giúp cả hai bên khai phá những cơ hội kinh doanh cùng có lợi, sáng tạo ra những giá trị mới “Make in Việt Nam”, và qua đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Ông Toàn cũng thừa nhận còn nhiều điều mong muốn chưa làm được, mà một trong số đó là việc ứng dụng công nghệ vào báo điện tử. Báo Thanh Niên không có một nền tảng công nghệ tự xây dựng từ A-Z mà hầu như phải dựa vào các đối tác trong và ngoài nước.
Tuy nhiên khi làm việc với các đối tác có đội hỗ trợ kỹ thuật ở nước ngoài, tiến độ xử lý thường bị chậm do chênh lệch thời gian và hạn chế về số lượng nhân sự chuyên trách. Chi phí phải trả cho các đối tác cũng rất lớn, dẫn đến thủ tục phê duyệt đầu tư khá mất thời gian cho các công đoạn chuẩn bị đề án, tổ chức đấu thầu…
Chia sẻ khó khăn với các cơ quan báo chí, ông Trương Gia Bình cũng cho biết, FPT sẵn sàng đồng hành cùng các cơ quan báo chí trong việc giải quyết thách thức, rào cản trong việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động tòa soạn. Chủ tịch tập đoàn FPT đề xuất các lãnh đạo cơ quan báo chí và FPT có thể ngồi lại với nhau ngay sau buổi tọa đàm để cùng nhau bàn phương án hợp tác, hỗ trợ công tác chuyển đổi số báo chí từ những nguồn lực công nghệ hiện đại của FPT.
Kết thúc phần tham luận, chương trình được tiếp nối với phần thảo luận chủ đề “Chuyển đổi số báo chí – Cú hích bứt phá tương lai” do ông Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và ông Trương Gia Bình – Chủ tịch tập đoàn FPT chủ trì.
Các vấn đề như bản quyền, quảng cáo trên báo chí, giải pháp công nghệ như nền tảng sử dụng chung, công cụ đánh giá… cũng được đặt ra với những trăn trở và khó khăn đang đối mặt. Để từ đó đề xuất mong muốn, giải pháp để sớm khắc phục hạn chế đang tồn tại và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, đồng bộ.