08:43, 02/07/2023
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đô thị đóng vai trò như một động lực quan trọng. Điều này đặt ra vấn đề cần làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững.
Hướng đến phát triển đô thị bền vững
Xác định phát triển đô thị bền vững đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở địa phương, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực thực hiện các chính sách nhằm phát triển đô thị phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn. Ngày 26/10/2012, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển hệ thống đô thị đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 426-KL/TU ngày 27/8/2021 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU đến năm 2025. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11 để làm căn cứ trong việc lập quy hoạch, xây dựng các tiêu chí đánh giá, phân loại đô thị, xây dựng các chương trình phát triển đô thị trong từng giai đoạn sao cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, góp phần từng bước nâng cao điều kiện sống của người dân đô thị thông qua việc đầu tư cải thiện các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường đô thị. Ngày 15/4/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2030. Đây là cơ sở để lập đề án phân cấp, phân loại đô thị trong tỉnh và xác định lộ trình đầu tư phát triển đô thị, các khu vực ưu tiên đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch cho từng giai đoạn 5 năm đến năm 2025 và 2030.
Toàn cảnh một dự án khu đô thị đang hình thành trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Ngoài ra, thực hiện Thông tư số 12/2014/TT-BXD, ngày 25/8/2014 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề cương Chương trình phát triển từng đô thị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, các địa phương tiến hành lập chương trình phát triển đô thị như: Chương trình phát triển đô thị TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển đô thị thị xã Buôn Hồ giai đoạn 2017 – 2025; Chương trình phát triển đô thị Ea Kar năm 2023…
Nhờ nỗ lực triển khai các chương trình phát triển đô thị, hệ thống đô thị toàn tỉnh đang có chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng. Hiện toàn tỉnh đã có 16 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 6 đô thị loại IV và 9 đô thị loại V. Đặc biệt, những năm gần đây, bộ mặt kiến trúc, cảnh quan tại một số đô thị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay theo hướng hiện đại hơn. Tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn theo chương trình đã được phê duyệt. Không những thế, việc định hướng không gian đô thị, phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu… được quan tâm thực hiện.
Còn nhiều “vật cản”
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn còn những “vật cản” mà lâu nay chưa gỡ bỏ được. Trong đó khó khăn nhất là tỷ lệ đô thị hóa tăng chậm (khoảng 0,02%/năm) và quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột. Hơn nữa, việc thành lập thị xã, thị trấn chưa đi đôi với nâng loại đô thị, điều này ảnh hưởng đến mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh trong chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, nguồn lực về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiêu chí loại đô thị chưa đáp ứng yêu cầu đã tác động đến tiêu chí phân loại và phát triển đô thị.
Dự án khu đô thị sinh thái Suối Xanh (TP. Buôn Ma Thuột) đang trong giai đoạn hoàn thiện. |
Là trung tâm kinh tế chính trị, khoa học kỹ thuật của tỉnh, TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều nỗ lực trong huy động các nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị trên địa bàn thành phố cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, như: việc đầu tư xây dựng và phát triển đô thị còn dàn trải, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng tiêu chí đô thị; công tác quản lý vẫn chưa làm chủ được tình hình phát triển đô thị; quy hoạch thiếu hợp lý; việc sử dụng năng lượng, tài nguyên còn lãng phí; môi trường, cảnh quan đô thị ngày càng bị xâm phạm. Theo ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, thách thức trong phát triển đô thị mà chủ yếu là do công tác quy hoạch. Thường thì quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước để phục vụ cho công tác đầu tư và xây dựng, tuy nhiên công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị trong từng giai đoạn chưa theo kịp thực trạng phát triển đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý quy hoạch và chưa hạn chế được sự phát triển tự phát. Hơn nữa nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của các đô thị và việc tiếp cận các nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị từ các nguồn vốn nước ngoài còn nhiều hạn chế. Một vấn đề khác là việc khai thác quỹ đất đô thị hiện nay chủ yếu là Nhà nước phân lô bán nền và nhà ở do người dân tự xây nên bộ mặt kiến trúc đô thị được tạo lập riêng lẻ. Thêm vào đó, việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng còn chắp vá, không được đầu tư đồng bộ đã làm cho mỹ quan kiến trúc đô thị bị xuống cấp. Hiện nay, kiến trúc từng đô thị, từng khu dân cư trên địa bàn thành phố nhìn chung chưa tạo được bản sắc riêng.
Một dự án khu đô thị đang hình thành trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Thực tế cho thấy, khu vực đô thị đã có những đóng góp quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội của địa phương nói riêng và quốc gia nói chung. Nếu phát triển bền vững, đúng hướng, có tầm nhìn, đột phá, đô thị sẽ phát huy được hết vai trò của mình. Do đó, việc quan tâm hoạch định chính sách, tăng tốc thực hiện các giải pháp thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị có kế hoạch, có lộ trình là nhiệm vụ thiết yếu để nắm bắt được xu thế, hóa giải được những khó khăn, thách thức nhằm phát triển đô thị nhanh và bền vững.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 286/QĐ-TTg, ngày 9/3/2018, giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt khoảng 35%, đến năm 2030 đạt 46,5%. Tuy nhiên, đến năm 2022 mới chỉ đạt 24,82%, thấp hơn tỷ lệ đô thị hóa bình quân vùng Tây Nguyên (28%). |
Khả Lê