Thể chế, hạ tầng số, cải cách hành chính, số hóa dữ liệu, nhân lực là những thách thức mà ngành Nông nghiệp cần phải giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp và bà con nông dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số thành công.
Ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn sản xuất. |
Chiều ngày 14/5/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp” kết nối trực tuyến đến điểm cầu trụ sở UBND thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đây là một trong những Hội nghị số hóa đầu tiên về kinh tế ngành trong năm 2024 do Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số giao cho các Bộ ban ngành, nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững của đất nước.
Doanh nghiệp số, nông dân số
Theo ông Nguyễn Quốc Toản – Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có nông nghiệp và nông dân. Thực tế cho thấy, tiếp cận và làm chủ công nghệ số sẽ là “chìa khóa” quan trọng để người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Theo đó, hàng chục vạn nông dân trên cả nước đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự mạnh dạn, quyết đoán của những “nông dân 4.0”, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành Nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan.
Thống kê từ các địa phương cho thấy, đến tháng 12/2023 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.
Khảo sát của Hiệp hội Crop Life châu Á, gần 50% nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam được hỏi cho biết họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp. So với 3 quốc gia ASEAN trong cùng khảo sát, Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất. Điều đó cho thấy nông dân Việt Nam quan tâm đến số hóa nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong khu vực.
Theo ông Dương Trọng Hải – đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, VNPT đã nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai nhiều giải pháp nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác (ONE Farm). ONE Farm được xây dựng trên nền tảng ONE IoT của công ty VNPT Technology – một đơn vị thành viên của VNPT. Giải pháp này ứng dụng công nghệ IoT, tự động hóa vào quá trình sản xuất nông nghiệp từ khâu canh tác cho tới khâu phân phối sản phẩm ra thị trường, giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp thủy sản giảm chi phí từ 7 – 25%. Từ yêu cầu của khách hàng, đơn vị chứng nhận các tiêu chuẩn…, nếu doanh nghiệp ứng dụng số thì khi thực hiện các việc này sẽ giảm bớt khó khăn đi rất nhiều.
Không ít rào cản
Ông Nguyễn Quốc Toản chia sẻ, hiện tại chưa có các quy định riêng về dữ liệu ở mức Luật, các quy định về dữ liệu còn lồng trong các văn bản, quy định hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin. Dữ liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn rời rạc, cục bộ, khép kín trong phạm vi của đơn vị, dữ liệu mở cơ bản tăng về số lượng nhưng chưa khai thác, sử dụng được do không ở định dạng máy có thể đọc. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ chưa chủ động, tự nguyện mở dữ liệu để khai thác, sử dụng do lo ngại về tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu.
“Nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số, nhất là trong các lĩnh vực có liên quan đến các ngành, các lĩnh vực đòi hỏi phải có kiến thức, tri thức chuyên sâu; thiếu các cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ nhân lực có trình độ về Chuyển đổi số, an toàn, an ninh thông tin”, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, các doanh nghiệp thủy sản có sự ứng dụng số hóa không đồng đều và có thể phân thành 3 cấp: sơ khai; tự đầu tư trên góc độ tự quản trị và đầu tư khá bài bản. Với doanh nghiệp đầu tư bài bản, họ có thể nắm được mọi thông số trong quản trị. Chẳng hạn khi gặp các cuộc thanh kiểm tra, những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể tự tin đáp ứng các yêu cầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu ra 6 vấn đề còn vướng mắc trong công tác số hóa ngành Nông nghiệp gồm thể chế, hạ tầng số, cải cách hành chính, số hóa dữ liệu trong nông nghiệp, thiếu nhân lực chuyển đổi số, công tác hỗ trợ doanh nghiệp và bà con nông dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp cần tiếp tục phát triển cơ sở dữ liệu ngành, phát triển hạ tầng số để các cơ sở dữ liệu có sự kết nối đồng bộ, tạo sự thuận lợi nhất cho nông dân, doanh nghiệp. Những ứng dụng số đến với nông dân phải thật đơn giản, dễ hiểu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, chuyển đổi số ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế số và tăng cường hiệu suất trong nông nghiệp. Để có những bước đi đột phá trong vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch hành động chuyển đổi số trong 2 năm 2024-2025 và thực hiện các yếu tố nền tảng xây dựng các nền tảng số. Xây dựng các cơ sở dữ liệu ngành đúng, đủ, sạch, sống sẽ là nền tảng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số nông nghiệp và Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong vấn đề này.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/thach-thuc-so-hoa-nganh-nong-nghiep-151675.html