Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) vừa nâng lãi suất chủ chốt thêm 100 điểm cơ bản lên 16%/năm. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp khi các nhà hoạch định chính sách ở quốc gia Á-Âu này tìm cách kiềm chế lạm phát dai dẳng đã vượt xa mục tiêu của họ.
“Áp lực lạm phát hiện nay vẫn ở mức cao. Dựa trên kết quả của năm 2023, lạm phát hàng năm dự kiến sẽ ở gần giới hạn trên của phạm vi dự báo là 7,0–7,5%”, CBR cho biết trong một tuyên bố hôm 15/12.
CBR cũng cảnh báo rằng việc “đưa lạm phát trở lại mục tiêu vào năm 2024 và giữ ổn định ở mức khoảng 4%” sẽ đòi hỏi phải duy trì các chính sách tài chính nghiêm ngặt trong thời gian dài.
“Đồng thời, CBR kỳ vọng tăng trưởng GDP vào năm 2023 sẽ cao hơn dự báo tháng 10, và vượt mức 3%”, tuyên bố cho biết thêm. Cuộc họp lãi suất quan trọng tiếp theo của CBR sẽ được tổ chức vào ngày 16/2 năm sau.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moscow sau quyết định nâng lãi suất, Thống đốc CBR Elvira Nabiullina cho biết rằng lạm phát dai dẳng cho thấy nền kinh tế không theo kịp nhu cầu ngày càng tăng và việc không hành động sẽ gây ra tác hại.
“Hãy tưởng tượng nền kinh tế là một chiếc ô tô, nếu chúng ta cố lái nhanh hơn mức thiết kế của ô tô cho phép và nhấn ga hết sức, động cơ sẽ sớm bị quá nóng”, bà Nabiullina nói. “Chúng ta vẫn có thể tiếp tục lái xe nhanh, nhưng nó sẽ không được lâu đâu”.
Lần gần nhất CBR tăng lãi suất chủ chốt là vào ngày 27/10, từ 13% lên 15%. Lãi suất ở Nga đạt mức cao nhất trong những năm gần đây vào tháng 2/2022, được tăng từ 9,5% lên 20% sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Lãi suất cơ bản sau đó được cắt giảm dần xuống 7,5% trước khi CBR bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 7 năm nay. Áp lực lạm phát dai dẳng, càng trở nên trầm trọng hơn do đồng Rúp suy yếu nghiêm trọng vào đầu năm nay, cũng như tình trạng thiếu lao động, chi tiêu chính phủ và cho vay cao, đã đẩy lãi suất lên mức 15% và nay là 16%.
Lạm phát và lãi suất cao là một trong những thách thức mà nền kinh tế Nga phải đối mặt khi Tổng thống Putin chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 3 năm sau, mặc dù thành công của Moscow trong việc né tránh giới hạn giá dầu của phương Tây đang giúp thúc đẩy sự phục hồi tăng trưởng kinh tế và giảm bớt áp lực hiện nay.
Một biểu hiện của lạm phát được thể hiện rõ nét thông qua lời xin lỗi hiếm hoi của ông Putin khi một người về hưu phàn nàn với ông về giá trứng.
Trong phiên hỏi đáp Đường dây Trực tiếp (Direct Line) kết hợp với họp báo cuối năm của nhà lãnh đạo Nga với giới truyền thông trong nước và quốc tế cũng như với công chúng từ khắp đất nước hôm 14/12, bà Irina Akopova, đã nghỉ hưu ngồi, được nhìn thấy ngồi bên bàn bếp của mình nói chuyện với Tổng thống Putin qua liên kết video.
Bà phàn nàn rằng giá trứng, ức gà và cánh gà đều tăng vọt và cầu xin người đứng đầu nước Nga giải quyết tình trạng này. “Hãy giải quyết vấn đề này. Chúng tôi không có ai để trông cậy. Tôi rất biết ơn ngài, tôi trông cậy vào sự giúp đỡ của ngài”, bà Akopova nói.
Câu hỏi này phản ánh mối lo ngại thực sự của người Nga về chi phí sinh hoạt và được đưa ra sau khi ông Putin thừa nhận rằng lạm phát có thể lên tới 8% trong năm nay.
“Tôi xin lỗi vì điều này, nhưng đây là sự thất bại trong công việc của chính phủ… Tôi hứa rằng tình hình sẽ được khắc phục trong tương lai gần”, ông Putin nói.
Phiên hỏi đáp Direct Line là một hình thức giúp ông Putin có cơ hội thể hiện rằng ông thông cảm với những lo lắng của người dân bình thường và đang ra lệnh cho các quan chức liên quan giải quyết các vấn đề đó.
Chính phủ Nga tuần này cho biết họ sẽ miễn thuế nhập khẩu 1,2 tỷ quả trứng trong nửa đầu năm tới để cố gắng kiềm chế giá của mặt hàng này, vốn đã tăng hơn 40% trong năm nay.
Minh Đức (Theo Reuters, Meduza, Xinhua)